Mái ấm 30a trên cao nguyên đá Đồng Văn

Tết này, hơn 1.800 hộ gia đình nơi cực Bắc Tổ Quốc (Đồng Văn, Hà Giang) sẽ được đón Tết trong căn nhà khang trang, kiên cố - “mái ấm 30a”- tên quên thuộc bà con vẫn gọi những căn nhà được triển khai theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.

Đến Đồng Văn, Hà Giang vào những ngày cuối cùng của năm 2010, chúng tôi cảm nhận được vùng đất xa xôi nơi địa đầu Tổ quốc đang dần thay da đổi thịt.

Khắp các thôn bản, ở đâu cũng có những mái nhà 30a kiên cố, những hồ treo ăm ắp nước, những con đường rải nhựa uốn lượn qua vách đá tai mèo.

Chủ tịch huyện Đồng Văn Nguyễn Đình Dích chia sẻ, phong tục canh tác truyền thống của người Mông là bỏ đất vào hốc đá để gieo ngô – cây lương thực chính. Khi mưa thuận, gió hòa, dù được mùa cũng vẫn thiếu ăn 3 đến 4 tháng. Khó khăn về địa lý, khí hậu, tập quán là những nguyên nhân khiến trong 19 xã, thị trấn vẫn có tới 12 xã tỷ lệ nghèo đói chiếm hơn 50%.

Nghị quyết 30a của Chính phủ với 4 nhóm chính sách ưu đãi dành cho 62 huyện nghèo nhất cả nước đã được coi là chìa khóa để các huyện nghèo nằm trong chương trình 30a như huyện Đồng Văn từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ nguồn kinh phí hơn 18,7 tỷ đồng trong 2 năm 2009 – 2010 do Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- 1 trong 41 đơn vị nhận hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, đã có 1.845 ngôi nhà mới dành cho hộ nghèo theo Chương trình 167 của Chính phủ đã được triển khai xây dựng.

Trong năm 2011, Petrolimex sẽ tiếp tục hỗ trợ cho huyện Đồng Văn với tổng nguồn kinh phí là 9 tỷ đồng. Nội dung hỗ trợ trong năm 2010 bao gồm ba hạng mục chính: hỗ trợ sản xuất, nhà ở và giáo dục dạy nghề.

Chúng tôi đến nhà chị Vàng Thị Giàng, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn khi chỉ còn ít ngày nữa căn nhà mới của gia đình chị sẽ hoàn thành. Người phụ nữ dân tộc Mông cả đời cặm cụi bên những luống ngô trồng trong hốc đá, lù cở (một loại gùi của người Mông) nặng trĩu trên vai, không thể ngờ có ngày mình lại được sống trong căn nhà kiên cố, được vay vốn nuôi dê, nuôi bò.

“Vui lắm, vui nhất là được đón Tết trong nhà mới, từ nay không còn phải lo nhà sập. Trong nhà còn nuôi được dê, lợn, bò nên không còn lo đói nữa” - chị Vàng Thị Giàng cho biết.

Niềm vui của ông Vàng Chính Dình, anh trai của liệt sỹ Vàng Mí Đoan, xã Lũng Cẩm Trên, huyện Đồng Văn cũng thể hiện qua ánh mắt rạng ngời khi ngắm nhìn ngôi nhà mới.

Gia đình ông là gia đình chính sách nên được hỗ trợ 40 triệu đồng tiền xây nhà. Tết này, đại gia đình ông sẽ được ở trong căn nhà xây bằng đá kiên cố, thay cho nếp nhà trình tường đã tróc lở.

Theo ông Nguyễn Đình Dích, những ngôi nhà mới được thiết kế đủ tiêu chuẩn về diện tích, kiên cố thay thế cho những căn nhà tạm trống trải, giúp bà con yên tâm an cư. Ngôi nhà kiên cố chính là điều kiện đầu tiên để tạo đà cho đồng bào thoát nghèo bền vững.

“Chương trình xóa nhà tạm chỉ là bước khởi đầu, cùng với hỗ trợ của doanh nghiệp và cơ chế khuyến khích của Nhà nước, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều chương trình khác như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giống cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, với việc Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu sẽ tạo cơ hội để có những bước phát triển đột phá về du lịch, tạo thu nhập ổn định cho người dân” - Chủ tịch huyện Đồng Văn cho biết.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a, cùng với 62 huyện trên cả nước, Đồng Văn đã từng bước xoá đói, giảm nghèo bền vững. Gần 800 lao động đã được đào tạo nghề ngắn hạn, hơn 6.800 hộ nghèo được vay vốn sản xuất, 8 công trình giao thông liên xã hoàn thành tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con. Bên cạnh đó, điện, nước cũng về với thôn, bản, 4 công trình điện và 2 hồ treo chứa nước đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo Thu Cúc
(www.chinhphu.vn)

[TT: NTV]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành