Mai Sơn giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao thu nhập

Với mục tiêu giảm 2% số hộ nghèo/năm, hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh nghèo, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Mai Sơn đã vào cuộc quyết liệt đưa chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao thu nhập.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơngiải ngân cho hộ nghèo xã Phiêng Pằn vay vốn phát triển kinh tế.

 

Hằng năm, huyện Mai Sơn đã giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể đến từng địa phương để triển khai thực hiện. Các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện chủ động phối hợp, triển khai các chính sách về giảm nghèo đến các xã, thị trấn; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo. Triển khai hiệu quả các chương trình giảm nghèo, như: Thực hiện các mô hình khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật; tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân nhận khoán bảo vệ rừng để được hưởng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ và khuyến khích người dân thực hiện các dự án trồng cây ăn quả chất lượng cao... 

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ được công khai dân chủ từ cơ sở, lấy ý kiến từ các bản, người dân, lựa chọn, bình xét theo thứ tự ưu tiên nên nội dung đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng theo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng đồng bào đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Trong 3 năm qua, huyện Mai Sơn đã tổ chức các lớp dạy nghề cho trên 530 lao động nông thôn; hỗ trợ thực hiện 59 mô hình sản xuất, với gần 3.000 lượt hộ nghèo tham gia; đầu tư 38 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt và nhà văn hóa bản, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 30 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình dự án giảm nghèo. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, đã giải ngân gần 490 tỷ đồng, cho trên 11.300 lượt người vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vay làm nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ... 

Đồng thời, với trên 8 tỷ đồng từ các nguồn vốn: Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ việc làm của tỉnh, nguồn vốn các tổ chức hội Trung ương cấp cho các hội đoàn thể huyện quản lý đã cho trên 400 lượt người vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh...

Ngoài ra, huyện Mai Sơn còn tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các bản đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 19%, giảm trên 6% so với năm 2016; toàn huyện đạt trên 230 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tăng 158 tiêu chí so với năm 2012, bình quân đạt trên 11 tiêu chí/xã; 19/20 xã có đường giao thông đến trung tâm đi được 4 mùa và trên 200 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; 19/20 xã đạt tiêu chí thủy lợi; 20/22 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế... Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-3%/năm. Đặc biệt có xã vùng 3 giảm trên 10%, tỷ lệ tái nghèo thấp.

Bên cạnh việc triển khai, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là ý thức, sự nỗ lực vươn lên của người nghèo. Nhiều hộ nghèo không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước mà tự vươn lên thoát nghèo. Điển hình gia đình anh Đào Văn Lư, ở bản Mai Tiên, xã Mường Bon (Mai Sơn) trước đây là hộ nghèo, do không có việc làm ổn định. Năm 2016, anh được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Sơn cho vay 30 triệu đồng, gia đình anh đã đầu tư trồng rau và tham gia vào HTX rau an toàn Tiên Sơn, nên có thu nhập ổn định. 

Năm 2019, huyện Mai Sơn tập trung triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giúp các hộ nghèo, cận nghèo tại các xã, bản đặc biệt khó khăn nâng cao năng lực sản xuất, tạo việc làm cho người nghèo. Đồng thời, việc lựa chọn vật nuôi, cây trồng, xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo xuất phát từ nhu cầu cộng đồng, hộ nghèo; lựa chọn các dự án, mô hình phù hợp với nhu cầu, điều kiện và khả năng sản xuất của các hộ tham gia gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn.

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành