Mô hình nuôi bò nhóm hộ vùng biên
Sau gần hai năm triển khai mô hình nuôi bò nhóm hộ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207 (Quân khu 5) thí điểm tại ba huyện Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn (Quảng Nam), những đàn bò giống đã cho kết quả ban đầu, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Cơ Tu.
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng khu Kinh tế - Quốc phòng Tây Giang, Nam Giang góp phần từng bước nâng cao đời sống cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nuôi bò nhóm hộ là một trong những mô hình được triển khai tại các xã vùng biên này. Đại tá Trần Văn An, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế -Quốc phòng 207 cho biết: "Chúng tôi triển khai từ năm 2013, mỗi nhóm tham gia có từ năm đến bảy hộ đăng ký. Đến nay, đã có 64 hộ tham gia, mỗi nhóm hộ, chúng tôi cấp từ bảy đến mười con bò giống. Chỉ gần hai năm, số bò đã phát triển, tăng thêm khoảng 15% so với số bò cũ".
Mô hình được triển khai ở bảy nhóm hộ. Trong đó, bốn nhóm ở thôn A Grí và Kanoonh 1 thuộc xã A Xan, huyện Tây Giang; hai nhóm ở thôn Pa Lan, xã La Êê, huyện Nam Giang và một nhóm ở thôn 4, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn. Mỗi nhóm chọn một người có uy tín làm nhóm trưởng để hướng dẫn phân công chăm sóc, chấm công từng hộ tham gia lao động, chăm sóc bò để phân chia lợi nhuận phù hợp... Anh Pơ Loong Vinh, thôn Pa Lan cho biết: "Từ ngày có bò chung, mọi người đều cùng nhau chăm sóc và đều được sử dụng bò trong việc làm nương làm rẫy. Đàn bò của nhóm chúng tôi vừa đẻ thêm ba con bê, vậy là tăng lên hơn 20 con bò rồi".
Các hộ đăng ký chăn nuôi bò thường cùng thôn, cùng dòng tộc hoặc cùng xóm. Khu chăn nuôi là vùng cỏ tự nhiên từ năm đến mười ha, có nguồn nước sạch cho bò uống và có đất để trồng cỏ. Trước khi giao bò giống từ 50 đến 60 ngày, các nhóm được cung cấp giống cỏ VA06 trồng hơn một ha nhằm cung cấp nguồn thức ăn cho bò. "Cán bộ nói bà con cùng nhau chăm sóc, khi đàn bò sinh sôi sẽ chia đều cho các gia đình", bà BhLing A Chắt, thôn A Grí, xã A Xan, huyện Tây Giang chia sẻ. Những hộ tham gia được cán bộ hướng dẫn phương pháp chăm sóc bò, xây dựng chuồng trại sạch sẽ, phù hợp điều kiện, thời tiết, phòng tránh bệnh gia súc...
Để mô hình nuôi bò nhóm hộ được nhân rộng và có sức lan tỏa trong cộng đồng dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Cơ Tu, cần tuyên truyền vận động người dân thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức, tập quán sản xuất lạc hậu và xóa bỏ chế độ hỗ trợ cho không; gắn liền với điều kiện để phát triển kinh tế. Ngoài nuôi bò nhóm hộ, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207 còn triển khai nuôi heo, trước hết là cấp heo giống cho các gia đình, triển khai mô hình trồng trọt và chăn nuôi nhằm đưa đời sống người dân Cơ Tu thoát nghèo bền vững.