Mở rộng cơ hội thoát nghèo và trách nhiệm của địa phương

Tính đến hết năm 2018, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ các chương trình đạt 2.767,6 tỷ đồng.

Mở rộng cơ hội thoát nghèo và trách nhiệm của địa phương
Một buổi giải ngân cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Mù Cang Chải.

Tín dụng chính sách (TDCS) thực sự là động lực quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân, góp phần đắc lực vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới (XDNTM).  Tính đến hết năm 2018, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái đã triển khai 13 chương trình TDCS, tổng dư nợ các chương trình đạt 2.767,6 tỷ đồng, với 84.210 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các đối tượng chính sách khác đang có dư nợ tại NHCSXH. 

Trong đó, dư nợ các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi là 1.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63% tổng dư nợ, số hộ còn dư nợ là 49.769 hộ. 

Với nguồn vốn ưu đãi, những năm qua, đã giúp cho hộ nghèo và đối tượng chính sách đầu tư vào phát triển sản xuất. Từ đó, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. 

Việc đầu tư vốn các chương trình đã chú trọng tới chất lượng và vừa thực hiện cho vay đúng đối tượng vừa nâng suất đầu tư đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng của hộ nghèo. Các đơn vị đã chủ động tham mưu với chính quyền cấp xã trong việc rà soát danh sách hộ nghèo và phê duyệt đối tượng vay vốn. 

Qua kiểm tra, đánh giá về hiệu quả TDCS cho thấy, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn TDCS đã chuyển biến về ý thức trong sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích thoát nghèo, chuyển biến về ý thức vay - trả. Nhiều hộ nghèo đã cải thiện đời sống nhờ sử dụng vốn ưu đãi. 

Các chương trình TDCS đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách có vốn để đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo, XDNTM, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  
                    
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình TDCS còn gặp một số khó khăn nhất định, đó là việc quy định mức cho vay tối đa đối với các chương trình sản xuất, kinh doanh là 50 triệu đồng/hộ, thời hạn cho vay tối đa 5 năm không còn phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay do chi phí đầu tư vào sản xuất đã tăng cao, đặc biệt chi phí trồng trọt một số loại cây có giá trị kinh tế cao: quế, sơn tra, cây ăn quả đặc sản... 

Một số lĩnh vực đầu tư chủ yếu như trồng rừng, chăn nuôi thì thời gian thu hồi vốn lên tới 7 - 10 năm và nhiều hộ vay vốn để làm nhà ở, làm công trình nước sạch với số tiền đã lên tới 50 triệu đồng nên rất thiếu vốn để đầu tư làm ăn. Số hộ khác muốn mở rộng chăn nuôi nhưng thiếu vốn để tăng đàn, trong khi hạn mức vay đã hết, nên chấp nhận vay vốn bên ngoài với mức lãi suất cao tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để tháo gỡ những khó khăn trên; đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc góp phần ngăn chặn tác động của tín dụng đen, ngày 22/02/2019, Hội đồng Quản trị NHCSXH đã ban hành Quyết định số 12 về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. 

Theo đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với mức tối đa lên tới 100 triệu đồng, thời hạn cho vay tối đa 10 năm; hộ mới thoát nghèo, hộ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (theo Quyết định 2085/QĐ-TTg) được vay mức tối đa 100 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái cho biết: Quyết định 22 của Hội đồng Quản trị NHCSXH Việt Nam thực sự mở ra cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo thuộc vùng dân tộc miền núi giúp bà con có đủ vốn để đầu tư vào các phương án sản xuất, kinh doanh hoặc mở rộng các phương án đang có hiệu quả và phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh. 

Thời hạn cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tới 10 năm cũng đảm bảo phù hợp với một số đối tượng đầu tư đặc thù và khả năng trả nợ của người vay.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn TDCS và bảo toàn nguồn vốn, giúp người nghèo và đối tượng chính sách sử dụng vốn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững, chính quyền các cấp cần chỉ đạo các ngành chức năng làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tiêu thụ hàng hóa… 

Các tổ chức chính tri - xã hội làm ủy thác tăng cường công tác tuyên truyền để hộ vay hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi vay vốn TDCS. 

Đặc biệt, chủ tịch UBND cấp xã là thành viên ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện cần chỉ đạo các hội, đoàn thể cấp xã và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác bình xét cho vay, đảm bảo mức vay, thời hạn cho vay phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, chu kỳ sinh trưởng, phát triển của vật nuôi cây trồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay. 

 

Báo Yên Bái

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành