Một số giải pháp giảm nghèo bền vững ở A Lưới

Đồng chí Lê Văn Trừ - Bí thư Huyện uỷ A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) khẳng định: từ xuất phát điểm rất thấp, sau hơn 30 năm thành lập huyện, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn bộ hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo của tỉnh, sự đầu tư của Nhà nước thông qua nhiều chính sách, chương trình, dự án, sự miệt mài lao động cần cù, chịu khó của các tầng lớp nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện A Lưới đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng khởi sắc.

Đồng bào không chỉ ăn no, mà một bộ phận nhân dân từng bước còn được ăn ngon; không chỉ mặc ấm mà một bộ phận nhân dân từng bước còn được mặc đẹp; toàn huyện cơ bản thoát nghèo. Nhà ở, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Gần 95% hộ được dùng điện; cầu, đường được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đến từng thôn bản, làm cho thôn xích gần xã, xã xích gần huyện, huyện xích gần thành phố Huế. Nếu như trước đây, phải đi ô tô một ngày đường thì nay chỉ mất khoảng 90 phút từ Huế đã đến với A Lưới. Hơn 70% số hộ sử dụng nước sạch, các công trình thuỷ lợi tưới tiêu cho gần 1 .700 ha lúa nước. 100% xã phủ sóng truyền thanh và truyền hình; đại bộ phận các hộ dân có ti vi để xem truyền hình. 100% xã có trường học kiên cố và trạm xá có bác sĩ tại chỗ phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân ngay từ tuyến cơ sở. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn, từ chỗ trên 62% vào năm 2002, theo chuẩn cũ; đến nay, hộ nghèo chỉ còn 24,58% theo chuẩn mới.


Có được những kết quả to lớn trong công tác xoá đói giảm nghèo ở A Lưới một phần là nhờ hiệu quả đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2. Thực hiện chương trình này, A Lưới được đầu tư 24,295 tỷ đồng, xây dựng được 17 công trình giao thông nông thôn, 13 trường học, 5 trạm y tế và 13 công trình phụ trợ khác... Với sự phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện cho huyện A Lưới ngày càng đổi mới phát triển. Thành tựu tuy rất lớn và đáng tự hào, song A Lưới vẫn còn đến 12 xã và 16 thôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo và trẻ em suy dinh dưỡng còn rất cao; nhiều hộ tuy đã thoát nghèo song chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, đau ốm. Đời sống văn hoá và giáo dục tuy được cải thiện rất nhiều, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao hơn nữa dân trí cũng như phục vụ xây dựng nền tảng tinh thần cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ hết sức to lớn và vô cùng nặng nề của Đảng bộ và toàn hệ thống chính trị huyện A Lưới là phấn đấu sớm thoát nghèo bền vững và từng bước vươn lên xây dựng đời sống khá giả, bảo đảm trước năm 2013, không còn xã và thôn đặc biệt khó khăn; đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 15% và đến năm 2020 còn dưới 5%. Phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 15% cho cả thời kỳ và thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 18 triệu đồng vào năm 2015; 24 triệu đồng vào năm 2020. Muốn vậy, theo đồng chí Lê Văn Trừ - Bí thư huyện uỷ, A Lưới phải giải quyết đủ đất cho dân sản xuất. Vấn đề trọng yếu nhất là người nông dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn A Lưới là phải thật sự làm chủ đất sản xuất nông lâm nghiệp. Vì thế huyện tiến hành rà soát lại quy hoạch sử dụng đất để bảo đảm giao cho hộ nông dân ổn định lâu dài 50 năm, có sổ đỏ để thực hiện đầy đủ quyền năng của người sử dụng đất theo Luật Đất đai hiện hành; bảo đảm đồng bào chưa sản xuất có hiệu quả có thể dùng đất để cho thuê hoặc liên doanh, liên kết đầu tư, với các mức mỗi khẩu phải có tối thiểu 400m2 đất ruộng 2 vụ hoặc 660 m2 đất ruộng 1 vụ, hay 1.330 m2 đất nương rẫy để sản xuất cây lương thực có hạt đạt mức bình quân 320kg/người/năm, bảo đảm an toàn lương thực hằng năm trong từng hộ gia đình và an ninh lương thực tại chỗ trên địa bàn huyện, giúp huyện có thể chủ động trong mọi tình huống. Tuỳ điều kiện của từng xã, từng thôn bản, mỗi hộ nông dân tối thiểu phải có 3 ha đất để trồng rừng hay 1 ha đất trồng cao su hoặc 0,5 ha đất trồng cà phê. Với điều kiện hỗ trợ tốt về kỹ thuật và thị trường, bảo đảm thu nhập bình quân hằng năm tối thiểu đạt 20 triệu đồng/ hộ. Mỗi hộ gia đình phải có tối thiểu 1.000m2 đất để lập vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng gần nhà theo các mô hình VAC, VACR. Trên diện tích đó, tối thiểu trồng 1.000m2 rau màu, 400m2 cỏ, 200m2 chuối, và nuôi tối thiểu 2 con bò, 2 con lợn, 20 con gia cầm các loại, góp phần cải thiện dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày của từng hộ gia đình và tạo ra thu nhập hằng ngày, hàng tháng, hàng năm trong từng hộ gia đình thông qua trao đổi hàng hoá.

Huyện cũng sẽ tập trung các nguồn lực, trong đó có Chương trình 135 giai đoạn II hỗ trợ thật tốt về kỹ thuật khuyến nông, lâm theo phương châm “ bắt tay chỉ việc” và đẩy mạnh truyền thông về kinh nghiệm sản xuất nông lâm nghiệp để giúp các hộ nghèo sử dụng đất và tổ chức sản xuất có hiệu quả. Gắn công tác tuyên truyền với công tác dân vận và tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Phát triển mạnh kinh tế hộ sản xuất nông, lâm sản hàng hoá để tiếp tục khắc phục điểm yếu của tính cố kết cộng đồng là làm chung, chia chung nên hạn chế, thậm chí triệt tiêu động lực phấn đấu riêng của từng hộ. Khuyến khích các hộ dân có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng bản, các trưởng họ phát triển kinh tế trang trại, giúp đỡ các hộ nghèo khác trong cộng đồng, trong họ tộc không biết cách tự tổ chức sản xuất, có công ăn, việc làm; đồng thời thông qua đó, từng bước đồng bào sẽ học tập kinh nghiệm để tự mình tổ chức sản xuất trong phạm vi kinh tế hộ.

Tiếp tục đầu tư mới, nâng cấp, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống ở các cộng đồng dân cư nghèo.Trên cơ sở tranh thủ các nguồn đầu tư và phát huy nội lực, huyện sẽ chú trọng hơn nữa đến công tác đầu tư mới cũng như nâng cấp, duy tu và bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng hiện có. Đặc biệt chú ý đến đầu tư các công trình nước sạch phục vụ đời sống và sức khoẻ nhân dân; nước cho sản xuất nông lâm nghiệp.

Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển ngành nghề. Ưu tiên đào tạo nghề cho một bộ phận nông dân trẻ để có thể giải quyết việc làm ngay tại địa bàn, trên cơ sở xác định đúng nhu cầu phát triển ngành nghề, dịch vụ của huyện, thực hiện phương châm “rời ruộng nhưng không rời làng”. Một bộ phận nông dân trẻ, có kiến thức văn hoá tốt, có nghị lực được quan tâm đào tạo nghề để làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương hay tham gia xuất khẩu lao động.

Thực tế cho thấy không chỉ do khó khăn về việc làm và thu nhập, một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận hộ gia đình nghèo triền miên là đồng bào không biết cách tổ chức tốt cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa việc tổ chức các lớp tập huấn và xây dựng các mô hình tổ chức cuộc sống gia đình toàn diện, phù hợp với từng cộng đồng dân cư, như xây dựng mô hình chi tiêu hằng ngày trong gia đình vừa bảo đảm tốt việc cải thiện dinh dưỡng vừa tiết kiệm tiền. Trên cơ sở đó, phát động mạnh mẽ phong trào thi đua tổ chức tốt cuộc sống gia đình trong từng cộng đồng dân cư.

A Lưới quyết tâm phấn đấu và kiên trì thực hiện các giải pháp cụ thể trên để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng và nhân dân trên địa bàn nói chung; từng bước tham gia tích cực vào mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trí Dũng
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 7/2010)

[TT: H.T.N]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành