Nà Mường phấn đấu giảm nghèo bền vững

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Nà Mường (Mộc Châu) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân trong xã phát triển kinh tế, xã hội, trọng tâm là xây dựng các mô hình cây ăn quả, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và chăm lo đời sống cho đồng bào tái định cư trên địa bàn.

Vườn nhãn ghép của gia đình ông Phạm Quang Hùng, tiểu khu 3, xã Nà Mường (Mộc Châu).

 

Nà Mường là xã vùng II, cách trung tâm huyện 50 km. Đầu tháng 7/2019, thực hiện Nghị quyết của cấp trên về sáp nhập các bản, tiểu khu, Nà Mường còn 9 bản, tiểu khu, có 12 chi bộ. Trên 95% diện tích đất sản xuất của xã là đất dốc, bạc màu, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất khó khăn, nên năng suất đạt thấp. Ông Mùi Văn Sứ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đảng ủy đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán. Chỉ đạo UBND xã, các tổ chức đoàn thể tích cực phối hợp với các ngành chức năng, chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho hàng trăm lượt nông dân mỗi năm. Tổ chức cho nhân dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình sản xuất kinh tế trong và ngoài huyện để về áp dụng vào thực tế sản xuất tại địa phương. Cử cán bộ chuyên môn về các bản, tiểu khu tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trồng cây ăn quả và cải tạo diện tích vườn tạp; tín chấp với các cửa hàng vật tư nông nghiệp mua theo phương thức trả chậm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân... Phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh huyện cho nông dân vay vốn ưu đãi, với tổng dư nợ hiện tại là 12 tỷ 688 triệu đồng...

Xã đã thành lập 2 hợp tác xã nông nghiệp, quy mô sản xuất 320 ha cây ăn quả, sản phẩm đã được cấp chứng nhận VietGAP và được cấp 2 mã số vùng trồng xoài. Tháng 5/2019, các HTX đã liên kết với tư thương ở tỉnh Quảng Ninh xuất khẩu 20 tấn xoài sang Trung Quốc. Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, bà con đã tích cực phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển dịch vụ kinh doanh, mua bán, sửa chữa máy móc, vận tải hàng hóa và vận tải hành khách... Qua khảo sát, năm 2018, trên địa bàn xã 946/1.091 hộ có mức sống khá, giàu; 4 hộ được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 5 hộ cấp tỉnh, 100 hộ cấp huyện và 341 hộ cấp xã. Nhiều hộ có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên, như hộ các ông, bà: Bàn Văn Tiến, Đặng Văn Xuân, (bản Sằm Nằm); Phạm Thị Hương, Hà Thị Hồng (bản Thống Nhất); Nguyễn Văn Tuyên, Phạm Văn Bảy, Nguyễn Quang Xuân, Đỗ Tiến Khoa, Đỗ Văn Thanh, Đỗ Thị Huệ, Đỗ Văn Khánh (Tiểu khu 3)...

Thời gian tới, Đảng bộ xã Nà Mường tiếp tục chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, từ đó nâng cao mức sống, đẩy lùi đói nghèo, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

 

Báo Sơn La

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành