Nậm Búng từng bước vươn lên thoát nghèo
Nậm Búng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), nằm dọc theo trục quốc lộ 32A với chiều dài 18km, gồm ba dân tộc chung sống: Dao, Thái và Kinh.
Đây là một xã thuần nông, kinh tế của người dân Nậm Búng chủ yếu sản xuất nông nghiệp kết hợp chăn nuôi đại gia súc. Do trình độ dân trí không đồng đều và hạn chế về nhận thức, phong tục tập quán vùng cao vẫn còn nặng nề nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức 31,29%. Và để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống, tinh thần cho người dân, xã tập trung chỉ đạo phát huy tối đa hiệu quả nguồn hỗ trợ của trung ương, tỉnh, của các tổ chức phi chính phủ và huyện Văn Chấn. Trong đó, đáng chú ý là Dự án “ổn định và phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm” đã trực tiếp hỗ trợ nông dân về giống vật nuôi, cây trồng và xã được hỗ trợ toàn bộ giống chè Shan cũng như kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến...
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, công tác khuyến nông trong xã đặc biệt coi trọng. Năm 2009, xã đã tổ chức 4 lớp tập huấn với 265 lượt người tham gia với nội dung hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa màu; phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn bà con khai hoang, mở rộng diện tích trồng cây lương thực, cây chè, cây ăn quả (nhãn, cam, quýt, xoài); kết hợp với trồng và bảo vệ 4.461 ha rừng cũng như phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... Chính vì vậy, trong những năm gần đây, bình quân lương thực đầu người của xã luôn ổn định ở mức 320 kg/năm. Nhiều gia đình đã mua được ti vi, xe máy và xây dựng nhà cửa khang trang...
Với sự chỉ đạo sát sao của Uỷ ban nhân dân xã, Nậm Búng đã có những bước ổn định và phát triển. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện thì Nậm Búng vẫn là một xã khó khăn. Các điều kiện sinh hoạt như nước sinh hoạt hiện nay mới được đầu tư cho 4/10 thôn bản nhưng hầu hết các công trình này đều đã xuống cấp, không đảm bảo cung cấp nước thường xuyên cho nhân dân và chủ yếu sử dụng nước từ các khe nhỏ và nước giếng.
Hệ thống giao thông cũng đã được quan tâm đầu tư cho trên 70% thôn bản và đã có đường ô tô đến thôn nhưng còn là đường đất, đặc biệt vùng núi thường xuyên có mưa nên việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Xã được đầu tư xây dựng một trạm y tế nhưng cán bộ chuyên môn còn thiếu. Cả trạm có 3 cán bộ, mới chỉ có y sĩ, y tá, các phương tiện khám chữa bệnh còn nghèo nàn, nên việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân còn nhiều khó khăn... Đây là các vấn đề cơ bản mà Đảng uỷ, chính quyền xã Nậm Búng cần tiếp tục tập trung chỉ đạo trong năm 2010. Nếu từng bước giải quyết được những khó khăn đang đặt ra đối với xã vùng cao Nậm Búng, với sự điều hành của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất định sẽ thoát nghèo bền vững.
Anh Dũng