Nâng cao hiệu quả vay vốn xóa đói giảm nghèo ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)
Từ năm 2007 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) luôn quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện giải ngân cho vay nguồn vốn hộ nghèo và vốn dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, xem đây là đòn bẩy xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Theo ông Trần Đăng Ngọc – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bắc Trà My, đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện đã giải quyết cho gần 4.000 hộ dân vay với tổng nguồn vốn từ 2 kênh lên đến hơn 42,5 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng các nguồn vốn cho vay của đơn vị.
Ông Ngọc cũng cho biết: Cùng với việc thẩm định giải ngân cho vay, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể nhận ủy thác như Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội phụ nữ… cũng như các tổ tiết kiệm vay vốn, tích cực tuyên truyền định hướng sử dụng đúng mục đích như đưa vào chăn nuôi, làm vườn, sản xuất lúa nước, buôn bán nhỏ. Hầu hết nguồn vốn đều được sử dụng khá hiệu quả, phần lớn các đối tượng vay vốn bước đầu ổn định được kinh tế gia đình, tình trạng thiếu đói được đẩy lùi. Đặc biệt, nhiều hộ từ nguồn vốn vay này đã thoát nghèo và vươn lên làm ăn khá, có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố, sắm mới các trang thiết bị sinh hoạt như tivi, điện thoại, xe máy…, thay đổi tích cực diện mạo làng xóm.
So với nhiều địa phương khó khăn khác, việc thu hồi vốn và thu lãi của Chi nhánh Ngân hàng CSXH Bắc Trà May khá thuận lợi. Số liệu tổng hợp của đơn vị cho thấy: Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ thu lãi của Ngân hàng luôn đạt trên 96%, nợ quá hạn được khống chế dưới 1%. Đây là cơ sở quan trọng để Ngân hàng tiếp tục phát huy, mở rộng thêm các nguồn vốn vay cho người dân. Về vấn đề này, ông Trần Đăng Ngọc – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My khẳng định: "Hiệu quả từ nguồn vốn vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đang làm thay đổi nhanh diện mạo nông thôn miền núi tại Bắc Trà My, đồng thời ý thức của người dân cũng có sự chuyển biến tích cực". Theo ông Ngọc, trước đây nhiều người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, rất ngại và sợ vay vốn. Có trường hợp vay vốn rồi mang về chẳng biết sử dụng vào đâu, bỏ vào ống tre, ống nứa để cất giữ, rồi sau đó tiền bị hỏng do mối mọt và mắc nợ Nhà nước. Nhưng thời gian gần đây, bà con rất mạnh dạn, nhiều người tự đến tận Ngân hàng làm thủ tục vay vốn để làm ăn thoát nghèo.
Bắc Trà My là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, có đến 17 dân tộc thiểu số cùng chung sống với hơn 38 ngàn nhân khẩu. Đây cũng là địa phương có địa hình bị chia cắt; một bộ phận đồng bào bản địa vẫn duy trì tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu nên đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 53%. Trước tình hình đó, thời gian gần đây, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện cho đồng bào được tiếp cận các nguồn vốn vay. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phân công các đơn vị, trong đó có Ngân hàng CSXH tham gia giúp đỡ các huyện, xã miền núi nghèo xóa đói, giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chi nhánh Ngân hành CSXH huyện Bắc Trà My đã nhanh chóng làm việc với các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường cán bộ xuống địa bàn để xác minh, hướng dẫn các đối tượng lập thủ tục vay vốn của Ngân hàng để đầu tư cho sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
Hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam và Chi nhánh Ngân hành CSXH huyện Bắc Trà My đang tiếp tục đẩy mạnh công tác mở rộng nguồn vốn và đối tượng cho vay. Theo ông Trần Đăng Ngọc – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My thì: “Nguồn vốn vay hộ nghèo và vốn cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện không thiếu, dân có nhu cầu là chúng tôi giải quyết ngay. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam rất quan tâm đến các huyện nghèo vùng cao. Nếu thiếu vốn các kênh này, Ngân hàng tỉnh sẽ cân đối điều tiết chuyển về ngay, đảm bảo đủ vốn đáp ứng nhu cầu của bà con”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Ngọc, cái khó hiện nay của Ngân hàng là vẫn còn nhiều người dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay do chưa nắm vững thông tin, thậm chí là không biết; mặt khác, vẫn còn một số ít đồng bào chưa biết cách làm ăn nên không có nhu cầu vay vốn. Bởi vậy, việc tuyên truyền, hướng dẫn, đặc biệt là hướng dẫn các bước làm thủ tục cho vay cũng như hướng dẫn bà con sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả là việc làm rất cần thiết. Đây phải là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, không nên nghĩ là việc của riêng ngành Ngân hàng hay là của bà con./.
Theo Đình Tăng
(website Đảng Cộng sản VN)
[TT: NTV]