Nét mới trong sản xuất vụ đông ở Võ Nhai

Đến thời điểm này, nông dân ở huyện vùng cao Võ Nhai đã gieo trồng được 391ha cây màu vụ đông, bằng gần 102% kế hoạch. So với những năm trước, diện tích cây vụ đông năm nay của huyện tăng không đáng kể, nhưng lại hứa hẹn mùa vụ mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Có mặt tại xã Lâu Thượng, chúng tôi thấy màu xanh ngút ngàn của các loại cây trồng vụ đông, như ngô, lạc, khoai tây, đỗ tương, bí xanh... Những năm gần đây, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân trong xã. Năm nay, xã Lâu Thượng có diện tích gieo trồng cây vụ đông lớn nhất huyện (với trên 58ha). Ông Lý Văn Hòa, ở xóm Yên Ngựa cho biết: Hầu hết người dân trong xã đều khẩn trương làm đất, trồng sớm các loại rau để bán được giá hơn. Riêng gia đình tôi, vụ đông nào cũng trồng gần 1 mẫu rau các loại (gồm su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua...). Trung bình mỗi vụ rau, gia đình tôi thu được khoảng 50 triệu đồng.

Không chỉ ở Lâu Thượng, mà người dân các xã khác như: Phú Thượng, La Hiên, Tràng Xá, Phương Giao, Cúc Đường, Dân Tiến... đều “không cho đất nghỉ”. Sau khi gặt xong lúa mùa, bà con đều bắt tay vào sản xuất vụ đông. Nhờ vậy đến thời điểm này, huyện Võ Nhai đã cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo trồng 391ha rau màu các loại, trong đó cây ngô là 43ha, rau các loại 258ha, khoai lang 69ha, thuốc lá 21ha... Điểm mới trong sản xuất vụ đông năm nay ở Võ Nhai là diện tích rau các loại tăng đột biến (tăng gần 80ha, vượt 43% kế hoạch). Lý do là nông dân trên địa bàn đã chủ động mở rộng diện tích trồng các loại rau truyền thống như: bắp cải, súp lơ, cà chua, khoai tây... Nhiều hộ đã tích cực chuyển đổi diện tích đất lúa một vụ, đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng rau. Các xã có diện tích rau lớn là: Bình Long, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá và thị trấn Đình Cả... Hiện nay, để tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau, Phòng Nông nghiệp - PTNT cùng các cơ quan chuyên môn của huyện đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích bà con nông dân tham gia sản xuất vụ đông, tận dụng tối đa điều kiện đất đai, nhân lực đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, hướng dẫn bà con trồng gối, trồng rải vụ để đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán 1 ha trồng rau có thể cho thu nhập từ 55-70 triệu đồng/vụ, cao gấp 1,5-2 lần so với trồng ngô.

Một trong những nét mới nữa trong sản xuất vụ đông năm nay Võ Nhai chính là việc đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: khoai tây Hà Lan, ớt, bí xanh, dưa bao tử, cà chua nhót... Cùng với đó, Trạm Khuyến nông huyện cùng với các xã, thị trấn còn đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất. Ông Phạm Xuân Thái, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Võ Nhai cho biết: Với phương châm mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định gắn với việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, vụ đông năm nay, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Huy Hùng (ở thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ) triển khai mô hình liên kết sản xuất khoai tây tập trung theo hướng hàng hóa tại 2 xã Lâu Thượng và Phú Thượng với diện tích trên 15 ha. Tham gia mô hình, người dân sẽ được hỗ trợ về giá giống, phân bón và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật từ khâu chọn giống, vật tư phân bón đến kỹ thuật canh tác. Đặc biệt, người nông dân sẽ không phải lo lắng về đầu ra cho nông sản vì doanh nghiệp đã ký hợp đồng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của họ.

Bà Hoàng Thị Lúa, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng chia sẻ: Trước đây, mỗi vụ gia đình tôi trồng khoảng 5 sào khoai tây. Nếu thời tiết thuận lợi, bán được giá thì mỗi vụ tôi thu khoảng 6-7 triệu đồng. Tuy nhiên, vì đầu ra của khoai tây không ổn định, giá cả lại bấp bênh nên tôi không dám mở rộng diện tích. Từ vụ đông năm nay, được Công ty Huy Hùng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên tôi đã mạnh dạn trồng 1,5 mẫu khoai tây. Ông Nông Văn En, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng đánh giá: Mô hình liên kết sản xuất khoai tây tập trung theo hướng hàng hóa hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao người nông dân trong xã, góp phần tăng vụ, tăng thu nhập, thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Cùng với việc đưa các loại giống cây có năng suất, giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, huyện còn làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế đất đai và lao động của từng địa phương, huyện đã tiến hành quy hoạch các vùng chuyên canh phù hợp với từng cánh đồng, từng loại giống. Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn cử cán bộ phụ trách nông - lâm nghiệp và khuyến nông viên thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con các biện pháp chăm sóc, bón phân cân đối để cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao.

Nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây trồng vụ đông, UBND huyện Võ Nhai đang tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ với định mức 300 nghìn đồng/sào đối với khoai tây; 130 nghìn đồng/sào đối với bí xanh; 100 nghìn đồng/sào đối với trồng cây cà chua, dưa chuột, ớt; 20 nghìn đồng/sào đối với ngô lai. Ngân sách huyện hỗ trợ 50% giá phân bón đối với mô hình liên kết trồng khoai tây tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa... Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn còn phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành