Ngày mới nơi vùng hồ Sông Đà
Nhờ triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), Hiền Lương từ một xã nghèo, khó khăn của huyện Đà Bắc (Hòa Bình) nay đã bứt lên đứng đầu toàn huyện trong chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với việc cán đích 12/19 tiêu chí, dự kiến đến hết năm 2014 sẽ hoàn thành thêm 4 tiêu chí về giao thông, trường học, chợ nông thôn, nhà ở dân cư.
Nâng cao thu nhập nhờ nghề nuôi cá lồng
Là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, chính vì vậy việc nâng cao thu nhập cho nhân dân được coi là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này không dễ bởi diện tích đất nhiều, song đất để sản xuất lại ít. Xuất phát từ thực tế này, lợi dụng vùng lòng hồ sông Đà, UBND xã đã vận động bà con nuôi cá lồng với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: dầm xanh, trê lai,...Theo ông Đinh Văn Huy - Phó chủ tịch UBND xã Hiền Lương, với lợi thế có gần 1.000ha diện tích mặt nước của lòng hồ sông Đà chạy dài qua các xóm Ké, xóm Mơ và xóm Doi, Hiền Lương đã mạnh dạn đưa vào mô hình nuôi cá lồng trên sông. Bằng cách làm này bước đầu đã mang lại hiệu quả cao cho nhiều hộ dân nơi đây, bởi chi phí bỏ ra không lớn mà kỹ thuật nuôi không phức tạp, đồng thời lại sớm cho kết quả. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 175 lồng cá, năng suất bình quân 2,5 tạ/lồng/năm, cá biệt có lồng đạt đến 4 tạ/lồng, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân.
"Hiền Lương giờ không chỉ là xã có sản lượng cá thương phẩm cao nhất huyện, mà còn là nơi cung cấp cá giống lớn nhất cho dự án phát triển kinh tế, ổn định dân cư vùng lòng hồ sông Đà và các hộ nuôi cá lồng ở 2 huyện Mai Châu, Đà Bắc. Chỉ tính riêng năm 2013, trên 2 tấn cá giống được ương từ những lồng cá ở Hiền Lương đã đến với bạn hàng trên địa bàn và được đánh giá là giống cá có chất lượng, khả năng kháng bệnh cao”, ông Đinh Văn Huy phấn khởi nói.
Điều đáng ghi nhận là, phong trào nuôi cá lồng ở Hiền Lương đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa khi nhiều tổ nhóm sản xuất đã được hình thành, giúp bà con tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, HTX Đức Huy nổi lên như một điểm sáng về mô hình kinh tế tập thể của địa phương. Với 20 lồng cá của 20 hộ, HTX không chỉ nuôi cá thịt mà còn nghiên cứu, ương nuôi nhiều giống cá quý, giúp bà con không phải nhập nguồn giống từ nơi khác về hoặc phụ thuộc vào việc đánh bắt từ tự nhiên.
Cùng với nuôi cá lồng nhằm đảm bảo an ninh lương thực, hàng năm, nhân dân trong xã đã tận dụng cấy, trồng hết diện tích gồm 9,5ha lúa, 146ha ngô, 70ha sắn, 48ha khoai sọ, đậu tương, lạc, gừng, rau các loại. Đặc biệt, nhờ ứng dụng có hiệu quả kỹ thuật vào thâm canh, các xóm Bưa Rồng, Gù, Mái, Phong Lương đã trở thành vùng trồng mía nguyên liệu tập trung với diện tích 56ha, năng suất bình quân đạt từ 70-75 tấn/ha. Ngoài ra, trên địa bàn xã cũng đang hình thành một số ngành nghề phụ như làm chổi chít, tăm mành, riêng tổ hợp sản xuất chổi chít thu hút trên 30 lao động. Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Hiền Lương xuống còn 26,7%, thu nhập bình quân đầu người dự kiến cuối năm 2014 đạt 14,5 triệu đồng/năm.
Để người dân nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, ông Bùi Khắc Vinh - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đà Bắc cho biết, thời gian tới sẽ triển khai một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hiền Lương, cụ thể sẽ đưa cây chuối tiêu hồng và một số loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao vào trồng. Dự án thành công chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người dân nơi đây thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Bài học từ huy động sức dân
Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông kiên cố, trải dài khắp các thôn bản, ông Huy phấn khởi nói: Những con đường này được hình thành dựa trên tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức của chính quyền và nhân dân trong xã. Nếu không có sự trợ giúp, đồng lòng từ người dân thì chỉ việc xóa đói giảm nghèo thôi đã khó, chứ chưa nói đến xây dựng NTM. Và khi công tác giảm nghèo bước đầu có kết quả, chúng tôi đã gắn với xây dựng NTM bởi giảm nghèo chỉ có thể bền vững khi bộ mặt NTM thay đổi.
Chính vì vậy, chỉ sau 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về NTM, tính đến nay đã đầu tư xây dựng được 13 tuyến đường, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa xóm được nâng cấp, đầu tư xây dựng khá khang trang.
"Nhiều tuyến đường ở Hiền Lương đã được hình thành nhờ tinh thần nỗ lực, đoàn kết của cán bộ và nhân dân trong xã. Đến nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí (quy hoạch, thủy lợi, điện, điểm bưu điện, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị xã hội, an ninh trật tự xã hội); phấn đấu đến hết năm 2014, xã đạt thêm 4 tiêu chí”, ông Huy nói.
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan trên nhưng theo ông Huy vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức bởi hiện đầu ra cho các sản phẩm người dân làm ra chưa được ổn định. Hơn nữa, trong quá trình triển khai xây dựng NTM một số tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện của một xã miền núi như Hiền Lương như tiêu chí chợ nông thôn, nếu theo đúng quy hoạch, chợ phải đảm bảo rộng 10ha, nếu mở rộng đúng theo quy định này thì vượt khả năng của xã, hơn nữa công năng của chợ cũng khó sử dụng hết khi hoạt động giao thương ở đây còn hạn chế.