Người dân tộc thiểu số làm nông thôn mới
Chiều tà, ấy là thời khắc vui nhất ở thôn M’Răng, bởi trong nhà ngoài ngõ rộn ràng tiếng chào hỏi của lũ trẻ nhỏ đi học về, tiếng xếp cuốc xẻng của những người về từ đồng ruộng, tiếng cười nói sum vầy của các gia đình. Hôm nay, M’Răng rộn ràng hơn vì đám thanh niên kháo nhau: “Đào núi đã bắt đầu chớm nụ, chim én về chao lượn khắp bầu trời”. Tin ấy khiến già làng K’Quét cười khà khà: “Xuân này vui lắm đây, xuân nông thôn mới của M’Răng mà!”.
Bên ché rượu cần thơm lừng mùi nếp mới, già
K’Quét kể cho chúng tôi nghe sự chuyển mình của thôn M’Răng từ ngày “Nông thôn
mới”. Cùng với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thì chính sự phát huy nội lực ở
M’Răng đã làm thay đổi diện mạo cuộc sống của thôn có 100% đồng bào dân tộc
thiểu số sinh sống của xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương này. “Không trông chờ, ỷ lại
vào Nhà nước, dân mình với Nhà nước cùng làm, tự mình vươn lên”- Già làng
K’Quét tự hào kể.
Đồng lòng
làm kinh tế
“Nông thôn mới”- cụm từ ấy đã trở nên thân thuộc
với từng người, từng nhà ở thôn M’Răng. Cũng từ ngày hiểu và cùng nhau thực
hiện mà cái đói, cái nghèo đã bị “xua đuổi” khỏi từng gian nhà, góc bếp nơi
đây.
Ông K’Thinh - Trưởng thôn cho biết: “Thôn M’Răng
hiện có 126 hộ với 730 khẩu, gần 100% đồng bào người K’Ho sinh sống. Từ khi
phát động xây dựng nông thôn mới, đồng bào cả thôn cùng bảo nhau tích cực hưởng
ứng và thực hiện”. Bằng chính sự nhiệt tình, chịu khó học hỏi vươn lên, đồng
bào dân tộc thiểu số thôn M’Răng đã làm nông thôn mới theo cách của họ, và sự
đổi thay của đời sống hôm nay chính là thành quả của sự đồng lòng ấy.
“Làm giàu cho đất nước thì trước hết phải làm
giàu ở chính gia đình mình”- ông K’Thuôn, người được cả thôn gọi vui là “chuyên
gia trồng trọt” bộc bạch. Ông Thuôn kể: “Bắt đầu từ năm 1992, tôi trồng trước
rồi dần dà cả thôn trồng theo, đó là trồng củ năng thay cho cây lúa. Củ năng
thay đổi đáng kể đời sống của bà con. Ngày đó, thôn trồng năng hiệu quả lắm, có
hộ đạt sản lượng 6 tấn/sào”. Trồng năng, rồi thấy người Kinh trồng rau khấm
khá, ông K’Thuôn lại đi đầu trồng thử 1 vụ năng 1 vụ rau màu. Đến nay, mọi
người ở M’Răng đều đã biết chuyển đổi cơ cấu, luân, xen cây trồng, phát triển
kinh tế. “Bây giờ bà con trong thôn chủ yếu trồng rau thương phẩm, áp dụng khoa
học kỹ thuật vào sản xuất. Trồng rau có hiệu quả kinh tế hơn lúa. Trồng năng
thì 1 năm chỉ được 1 vụ. Cái nào hay là mình học hỏi làm theo” - K’Thuôn cười
nói. Rồi ông hào hứng kể lại những mùa ông học hỏi nơi khác trồng ớt sừng, đậu
Hà lan, hành tây…, bà con thấy thế cũng làm theo “chuyên gia Thuôn”, “có mùa cả
thôn trúng vụ lớn, vui lắm” - ông tự hào nói.
Không chỉ biết đầu tư phát triển sản xuất, chuyển
đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mà người M’Răng
còn tích cực đóng góp tiền của, sức lao động để xây dựng đường nông thôn mới.
Tháng 9/2014, với sự vận động của Nhà nước, bà con đã tự nguyện hiến đất và
đóng góp hơn 400 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, đèn đường
chiếu sáng. “Đường đẹp, sáng thì con em mình, gia đình mình hưởng lợi trước mà.
Đi lại thuận tiện, an toàn lắm” - chị Ka Diệu (xóm 2, M’Răng) vui vẻ chia sẻ.
Cũng chính từ những suy nghĩ dung dị ấy mà bà con thôn M’Răng hôm nay đã được
đi trên những con đường bê tông hóa chạy suốt từ đầu thôn đến tận cuối xóm.
Những con đường như sợi dây nối kết mọi người, mọi nhà M’Răng lại gần nhau hơn,
thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Nhà cửa trong thôn đa số đã được xây mới, kiên
cố hóa, nước sạch chảy đến từng hộ. Chỉ tay lên đường điện được kéo dài theo 2
bên đường, Trưởng thôn K’Thinh bảo: “Không chỉ có điện để xem tivi, đường điện
phục vụ sản xuất cũng được kéo phủ khắp thôn. Bà con đã cùng đóng góp 400 triệu
đồng làm đấy!”.
“Hiện cả thôn M’Răng chỉ còn 1 hộ nghèo là hộ
thuộc diện neo đơn. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng phát
triển. Suốt 11 năm liền M’Răng giữ vững danh hiệu Thôn Văn hóa, là thôn điểm
trong 29 thôn của Đơn Dương có đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đồng
lòng, tích cực xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa. Bà con còn
cùng nhau bảo vệ rừng. Hơn 10 năm qua, thôn không còn tệ nạn phá rừng làm rẫy.
Thôn có 46 hộ tham gia và có thu nhập từ công tác giao khoán bảo vệ rừng”- ông
Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm phấn khởi cho chúng tôi biết.
Bảo tồn và
phát huy bản sắc
Theo lời già làng K’Quét giới thiệu, chúng tôi
đến gia đình anh Ya Minh - chị Ka Đào, gia đình vừa được công nhận Gia đình
hiếu học năm 2014 cùng với 5 hộ khác trong thôn, vừa hay trong nhà ông Ya Minh
mới tiến hành xong lễ xây mộ - đâm trâu trước đó 1 ngày. Lúc này, nhà ông Ya
Minh đang họp mặt con cháu sau lễ xây mộ, những dịp này là lúc gia đình, bà con
gặp mặt, uống rượu cần và đánh cồng chiêng. Nhấp ngụm rượu cần còn nồng nồng
hương đất, tay gõ cồng, thỉnh thoảng ông Ya Minh lại cất giọng hát vang vài câu
hát tiếng K’Ho trong tiếng vỗ tay, gật gù của những người xung quanh.
Người
M’Răng vẫn cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa riêng
Ông Ya Minh kể: “Bà con mình bây giờ tiến bộ rồi,
các hủ tục lạc hậu bỏ hết rồi, những truyền thống này vẫn phải giữ, vì đó là
bản sắc riêng của người mình mà”. Theo ông Ya Minh, lễ xây mộ là lễ lớn nhất
của người K’Ho, tại lễ này sẽ có lễ đâm trâu cúng tổ tiên, ông bà. Đây cũng là
“lệ làng” ở nơi đây: “Xây mộ, nhà có người chết thì bắt buộc phải có trâu”- chị
Ka Đào nói tiếp.
Ở thôn M’Răng, các hủ tục, tập tục lạc hậu đều
được bà con xóa bỏ, tuy nhiên những phong tục truyền thống của tộc người, mang
bản sắc riêng thì bà con vẫn gìn giữ. Già làng K’Quét kể thêm: “Thôn còn có hội
Tự quản gồm những già làng, những người có uy tín trong thôn. Họ sẽ đứng ra
giải quyết các việc chung của thôn, hòa giải các mâu thuẫn, chuyện nào liên
quan đến pháp luật thì mới đưa ra chính quyền”. Cũng chính nhờ hội Tự quản ấy
mà bà con đều tuân thủ theo “Hương ước” của thôn, quy định của pháp luật nên an
ninh trật tự luôn được giữ vững.
Trong tiếng âm vang cồng chiêng từ nhà ông Ya
Minh vọng ra cả thôn, những tia nắng chiều hanh hanh xua đi cái rét của những
ngày cuối năm, sưởi ấm vạn vật. Cây cối đang cựa mình thay áo mới, đón xuân về
trên thôn mới M’Răng.
Niềm vui hân hoan mừng xuân mới như vui hơn bội
phần vì những vụ mùa Tết thành công, dự đoán một mùa Tết đủ đầy. Trong hương
sắc đất trời chuyển xuân phảng phất mùi thơm nồng của rượu cần, M’Răng đẹp hơn
bao giờ hết. Vẻ đẹp không chỉ ở cảnh sắc đậm chất cao nguyên quyến rũ mà “đẹp”
hơn ở sức mạnh nội lực, sức mạnh của tình đoàn kết, “hòa nhập mà không hòa tan”
trong xây dựng nông thôn mới ở buôn làng.
Tết này sẽ có những người con xa quê tìm về đất
mẹ, ắt hẳn sẽ có người phải ngạc nhiên vì sự đổi thay vượt bậc của M’Răng. Bởi
đất mẹ đã khoác áo mới, chiếc áo mang diện mạo ấm no, hạnh phúc, khang trang
được dệt lên từ sự đồng lòng, tích cực, ý chí vươn lên của những người M’Răng.