Nguồn lợi từ cây sơn tra

Cây sơn tra hay còn được gọi là cây táo mèo, một loại cây mọc tự nhiên trên vùng núi cao của huyện Mù Cang Chải. Trước đây, người dân chủ yếu là thu hái tự nhiên thì nay đã trồng, bảo vệ và phát triển hiệu quả.

Thu hoạch sơn tra.

 

Ông Nguyễn Phúc Cường, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu giai đoạn 2016 - 2020 hiện đang phát huy được hiệu quả, từng bước giúp đồng bào các dân tộc vùng cao Yên Bái cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Theo đề án này, đến năm 2020, tỉnh Yên Bái sẽ trồng mới và phát triển 6.200 ha, đưa diện tích toàn tỉnh lên trên 10.000 ha, sản lượng đạt trên 7.500 tấn. Diện tích trồng sơn tra bao gồm trồng mới trên đất chưa có rừng là 2.500 ha; trồng trên đất nương rẫy kém hiệu quả 1.000 ha; trồng trên đất trồng thông bị ảnh hưởng do rét đậm rét hại có thể trồng xen cây sơn tra 800 ha; trồng trên đất trồng thông sau khai thác 200 ha; trồng bổ sung cây sơn tra trong rừng tự nhiên phòng hộ nghèo kiệt đang khoán cho các hộ, nhóm hộ bảo vệ ổn định 1.700 ha.

Sau 3 năm thực hiện đề án, các địa phương đã trồng mới được trên 4.500 ha, đạt 73% kế hoạch. Cây sơn tra ở Yên Bái hiện là nguồn thu nhập không thể thiếu và trở thành một trong những loại cây giúp xóa đói giảm nghèo của người Mông ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu.

Ông Sùng A Sào, trú tại bản Háng Gàng, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải chia sẻ, nhà ông có 9 ha trồng sơn tra, mỗi năm thu về 180 triệu đồng. Riêng năm nay, nhờ chăm sóc tốt nên gia đình ông thu về 300 triệu đồng từ bán quả sơn tra. Cùng bản còn có anh Giàng A Chu, từ 5 ha có năm được mùa, nhà anh thu về 200 triệu đồng từ quả sơn tra.

Còn anh Thào A Chinh, ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết, mấy năm nay, giá bán quả sơn tra tương đối ổn định nên bà con rất mừng. Hiện, gia đình anh có 8.000m2 sơn tra, mỗi năm thu về 15 triệu đồng từ bán quả. Nhờ trồng sơn tra, gia đình cải thiện được phần nào đời sống nên tôi dự định sẽ trồng thêm ở những diện tích đất còn trống.

Đánh giá về việc triển khai đề án trồng cây sơn tra ở Mù Cang Chải, ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện cho hay, việc triển khai Đề án đã tạo sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế từ cây sơn tra trong đồng bào các dân tộc.

Trước đây, người dân chủ yếu là thu hái tự nhiên thì nay đã trồng, bảo vệ và phát triển hiệu quả. Tính riêng năm 2018, huyện trồng cây sơn tra xen ghép vào 200 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt. Năm 2019 toàn huyện trồng mới gần 260 ha trong đó tập trung nhiều ở các xã Nậm Khắt, Mồ Dề... Từ trồng và phát triển cây sơn tra, trung bình mỗi năm, người dân Mù Cang Chải thu hái được hơn 2.000 tấn quả, đưa thu nhập từ sơn tra lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ông Đào Công Trình, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu cho biết, trước khi triển khai Đề án tổng diện tích sơn tra của huyện Trạm Tấu có 2.178 ha. Từ khi thực hiện đề án năm 2016 đến nay, huyện đã trồng được 1.478 ha sơn tra, nâng tổng diện tích sơn tra hiện có của huyện là trên 3.436,3 ha, đạt 61,5% kế hoạch đề ra. Đề án không chỉ đã góp phần giải quyết việc làm cho 2.047 hộ dân, làm tăng thu nhập cho người dân Trạm Tấu bình quân 4,7 triệu đồng/hộ/năm mà còn đem lại nguồn thu nhập từ thu hái quả sơn tra cho người dân Trạm Tấu khoảng 2 tỷ đồng/năm.           

 

daidoanket.vn

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành