Nhiều giải pháp giúp người dân giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, hơn 2 năm qua, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Các hộ nghèo, cận nghèo đã được hưởng các chính sách hỗ trợ về giáo dục, được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế, Ninh Bình đang triển khai thực hiện cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đặc biệt, từ năm 2017, tỉnh ta đã vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" thu hút sự hưởng ứng của mọi lực lượng xã hội. Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho hộ chính sách, hộ nghèo, tặng xe lăn cho thương, bệnh binh, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất...
Các địa phương cũng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhiều nguồn lực từ ngân sách tỉnh, từ nguồn huy động xã hội hóa để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Ninh Bình cũng là tỉnh triển khai làm tốt việc xây mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở, năm 2018 đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa 2.128 nhà ở cho gia đình người có công, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Với những nỗ lực đó, đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều toàn tỉnh giảm xuống còn 3,63%.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, song công tác giảm nghèo của tỉnh trong những năm qua cũng còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ như một số chỉ tiêu về nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà ở, tài sản tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Một bộ phận người dân chưa có ý thức vươn lên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước nên chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Số doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn còn ít. Vẫn còn tình trạng hộ nghèo vay vốn sử dụng chưa đúng mục đích, tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu còn xảy ra...
Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra là tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm giảm từ 1,5% đến 2% (theo chuẩn nghèo đa chiều), trong thời gian tới cần sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành. Theo đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng và sự nỗ lực vươn lên của chính các hộ nghèo để thoát nghèo; đồng thời tích cực huy động mọi nguồn lực, tăng thêm vốn đầu tư để phục vụ công tác giảm nghèo bền vững, nhất là đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các địa bàn khó khăn. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với đối tượng thụ hưởng chính sách nhằm đánh giá hiệu quả, mức độ phù hợp của các chính sách hỗ trợ để làm tốt công tác tham mưu với tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời hiểu rõ nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, từ đó có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện công tác giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo.
Thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết giữa hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu hút lao động nghèo làm việc trong các doanh nghiệp.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tin tưởng rằng trong thời gian tới công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được mục tiêu đề ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.