Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Mộc Châu

Với phương châm “Không bỏ sót ai và ai cũng có cơ hội”, những giải pháp chăm lo đời sống cho người nghèo, người yếu thế được Đảng bộ, chính quyền huyện Mộc Châu cụ thể hóa bằng những cách làm sáng tạo, hợp lòng dân, nhanh chóng đi vào thực tiễn, trở thành phong trào thiết thực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.

Nâng cấp, cải tạo tuyến đường vào các bản của xã Quy Hướng, Mộc Châu.

 

Với tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp và du lịch, huyện Mộc Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia năm 2014, quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030. Đây chính là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Mộc Châu phát triển mạnh mẽ. Dù vậy, Mộc Châu vẫn còn nhiều hộ nghèo cần giúp đỡ, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Thời điểm 2016, qua đánh giá chuyên sâu cho thấy các chương trình mục tiêu của Trung ương, của tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi khá toàn diện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên,vẫn chưa thể xóa tận gốc cái nghèo, bởi mỗi địa phương đều có đặc thù riêng. Vì vậy, huyện Mộc Châu đã tập trung đánh giá, rà soát một cách toàn diện, xác định rõ nguyên nhân vì sao vẫn còn nhiều hộ nghèo? Phân diện rõ nhóm đối tượng nghèo, để tìm ra các giải pháp thiết thực, cụ thể giúp các hộ nghèo giảm nghèo nhanh, bền vững.

Theo đó, Ban Thường vụ huyện ủy đã ban hành Kết luận số 321 ngày 6/6/2016 về tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trên địa bàn, giai đoạn 2016 – 2020; ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo huyện do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. 

Năm 2016, toàn huyện đã tổ chức làm việc với trên 3.900 hộ nghèo của huyện, có biên bản làm việc với từng hộ, xác định nguyên nhân nghèo của từng hộ; phân loại thành 6 nhóm nghèo, bao gồm: Không có đất sản xuất; không biết cách làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng; có nhu cầu vay vốn, nhưng chưa biết cách tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng; có lao động nhưng không có việc làm; có đất, có lao động song không biết cách làm ăn; khó có khả năng thoát nghèo. 

Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân và phân diện hộ nghèo, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện công tác giảm nghèo; có giải pháp cụ thể cho từng nhóm nghèo; giao trách nhiệm cho các cơ quan phụ trách giải quyết từng nhóm; chỉ đạo Đảng ủy các xã ban hành quyết định phân công các đoàn thể phụ trách giúp đỡ các hộ nghèo; tổ chức hội nghị tập huấn cấp huyện để hướng dẫn và thống nhất phương cách giúp đỡ các hộ thoát nghèo...

Khi đã xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo, Huyện ủy Mộc Châu giao cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng đề cương, dự thảo quyết định trình Ban Thường vụ thảo luận, cho ý kiến, thống nhất nội dung, hoàn chỉnh thành quyết định mẫu với 9 nhiệm vụ, 6 nhóm giải pháp chuyển đến Đảng ủy các xã, thị trấn ban hành quyết định phân công các ban, ngành, đoàn thể: Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh, Mặt trận cấp xã và cấp bản, tiểu khu hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo theo phương châm cần gì giúp đấy; xây dựng biểu báo cáo theo từng nội dung giúp đỡ, mỗi quý (trước năm 2017 là hằng tháng), Ban Chỉ đạo họp, đánh giá và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.

Đặc biệt, từ 6 nhóm nghèo được phân diện, Huyện ủy Mộc Châu đưa ra từng nhóm giải pháp cụ thể. Theo đó, nhóm không có đất sản xuất sẽ giao xã, bản rà soát quỹ đất cộng đồng trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 năm để người dân canh tác cây ngắn ngày, có thêm thu nhập. Diện không có bìa đỏ thì lên danh sách, Huyện ủy giao ngành tài nguyên - môi trường, xã bố trí làm bìa đỏ đất ở và đất nông nghiệp để người dân có tư liệu sản xuất một cách hợp pháp, có thể sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn. Nhóm không biết vay vốn thì hướng dẫn họ tham gia làm thành viên các tổ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, cán bộ Ngân hàng hướng dẫn người dân cách vay vốn và sử dụng vốn. Đối với nhóm không có việc làm, Huyện ủy chỉ đạo tổ chức các ngày hội việc làm, 3 năm (2017-2019) đã đưa nhiều lao động nông thôn làm việc tại các doanh nghiệp địa phương trong và ngoài tỉnh. Đối với nhóm không biết cách làm ăn, huyện cung cấp tài liệu các điểm, mô hình nông nghiệp hiệu quả, đồng thời, tổ chức nhiều đợt tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế có nhiều tương đồng về thổ nhưỡng, khí hậu địa lý để các hộ nghèo học và làm theo; kèm với đó là hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ, hướng dẫn mua giống tại đâu? sản phẩm làm ra bán ở chỗ nào? Đối với nhóm không thể thoát nghèo (người già neo đơn, tàn tật), ưu tiên các nguồn giúp đỡ, hỗ trợ qua các cơ quan, đơn vị, tổ chức thiện nguyện...

Với phương châm “đảng viên gương mẫu đi đầu”, Ban Thường vụ huyện ủy tiếp tục ban hành Quyết định số 1332 ngày 10/1/2019 yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp với UBND các xã rà soát, xác định nguyên nhân nghèo của 1.952 hộ nghèo hiện còn; phân công 57 chi bộ, đảng bộ cơ sở phụ trách giảm nghèo bền vững đối với 72 bản khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao; Ban Thường vụ huyện ủy ban hành Kết luận số 883 ngày 28/2/2019 về chủ trương phân công đảng viên phụ trách hộ nghèo trên địa bàn huyện; ban hành Quyết định số 1365 ngày 28/3/2019, phân công 649 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý từ cấp huyện đến cơ sở phụ trách 649 hộ dân tộc thiểu số nghèo. Theo đó, mỗi đảng viên phải báo cáo tại hội nghị chi bộ, trong tháng đã gặp gỡ, giúp đỡ hộ nghèo mấy lần? giúp đỡ nội dung gì? vướng mắc, khó khăn nào khi giúp đỡ hộ nghèo? kiến nghị gì với cơ quan, đơn vị để hộ nghèo được giúp đỡ có thể thoát nghèo? Đồng thời, chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn ban hành quyết định phân công các Bí thư chi bộ, trưởng bản, tiểu khu trưởng trực thuộc Đảng ủy giúp đỡ hộ nghèo. Sau khi có quyết định phân công, 100% cán bộ huyện, cán bộ xã đã gặp gỡ trao đổi với từng hộ nghèo để có giải pháp giúp đỡ.

Để triển khai đồng bộ, rộng khắp và hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, huyện Mộc Châu đã trích trên 250 triệu đồng từ ngân sách huyện tổ chức 6 lớp tập huấn các nội dung giúp đỡ hộ nghèo cho 1.524 lượt bí thư, trưởng bản, MTTQ và trưởng các đoàn thể bản, tiểu khu và Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu xã, thị trấn. Sau lớp tập huấn, mỗi đại biểu được trang bị cuốn tài liệu liên quan đến từng nội dung có thể giúp đỡ hộ nghèo. Ví dụ, không biết lập hồ sơ vay vốn thì gặp ai để được giúp đỡ làm thủ tục; học tập mô hình ở đâu? mua giống chỗ nào? kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi ra sao? sản phẩm làm ra thì bán cho ai?... Sau khi được tập huấn, cán bộ chủ chốt các bản, tiểu khu căn cứ tài liệu được cung cấp làm tài liệu sinh hoạt chuyên đề của từng tổ chức mình tại cơ sở, hướng dẫn, phổ biến cho đoàn viên, hội viên, giúp mọi người hiểu và biết cách giúp người nghèo thoát nghèo. Tài liệu tập huấn tại huyện được xem là sổ tay kiến thức giảm nghèo bền vững ở cơ sở. 

Được biết, 3 năm gần đây, huyện đã tổ chức 17 hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động cho gần 2.000 lượt người, đã hỗ trợ gần 1.000 lượt người đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức cho 1.156 hộ nghèo đi học tập các mô hình phát triển kinh tế; hỗ trợ 42 hộ nghèo mượn gần 15 ha đất cộng đồng để sản xuất; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho gần 1.200 hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, tổng dư nợ trên 48 tỷ đồng...

Để tháo gỡ khó khăn tại 13 bản có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, khó đi nhất, kinh tế kém phát triển nhất, Ban Thường vụ huyện ủy ban hành Kết luận số 244 ngày 05/5/2016 giải quyết một số đề xuất, kiến nghị của nhân dân tại 13 bản này, phân bổ 1,3 tỷ đồng từ ngân sách huyện đầu tư tại mỗi bản 1 công trình thật sự cần thiết. Để giúp đỡ học sinh nghèo hoàn cảnh khó khăn, đồng chí Bí thư huyện ủy đã có thư kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các chi bộ, đảng bộ, cán bộ, đảng viên nhận đỡ đầu các cháu; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 476 huy động hỗ trợ 100 học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn giai đoạn 2019-2021...

Tìm hiểu được biết thêm, huyện Mộc Châu còn lồng ghép linh hoạt ngân sách huyện để đảm bảo các nguồn vốn đầu tư, giúp các vùng khó khăn sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Ban Thường vụ đã có các thông báo, kết luận về phát triển kinh tế ở các xã biên giới và vùng lòng hồ sông Đà,như: Tăng cường phát triển nuôi cá lồng thuộc địa bàn các xã vùng lòng hồ sông Đà, làm 249 lồng cá, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 150 lao động người dân tộc thiểu số 2 xã Tân Hợp, Quy Hướng; phát triển cây ăn quả đối với các xã biên giới, chỉ đạo nhân dân trồng mới 1.764 ha cây ăn quả, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng lòng hồ sông Đà từ 22% năm 2015 xuống 11% năm 2018. Đặc biệt, chủ trương phát triển cây chanh leo đã góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 700 lao động người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, chủ trương hỗ trợ từ ngân sách huyện cho các bản đặc biệt khó khăn làm đường giao thông nông thôn 100 - 150 triệu đồng/km, mang lại diện mạo mới cho khu vực này, tạo động lực để các hộ nghèo vươn lên.

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành