Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở Ba Chẽ

Là địa phương khó khăn nhất tỉnh, nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, nhưng huyện Ba Chẽ đã quan tâm phát triển nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.

Ba Chẽ nỗ lực giảm nghèo bền vững: Giải pháp đồng bộ, hiệu quả cao

Người dân chủ động phát triển kinh tế rừng để thoát nghèo.

 

Nhiều năm về trước, huyện Ba Chẽ luôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng xã hội hỗ trợ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Cùng với đó, các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo không duy trì được. Nhiều hộ thoát nghèo rồi lại tái nghèo. Không những thế, Ba Chẽ cũng là địa phương có xuất phát điểm chậm phát triển, nguồn lực đầu tư hạn chế; địa hình chia cắt, đất đai khô cằn, thiếu nguồn nước, trình độ dân trí không đồng đều khiến công tác giảm nghèo rất khó khăn.

Đứng trước khó khăn đó, cả hệ thống chính trị ở Ba Chẽ đã đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đến 9.270 lượt người; tuyên truyền lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với các nội dung khác tại 66 nhà văn hóa thôn, khu cho hơn 10.000 người. Nhờ đó, nhận thức vươn lên thoát nghèo của bà con ở huyện Ba Chẽ đã thay đổi rõ rệt. Phong trào thoát nghèo đã làm thay đổi cách nhìn của bà con về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã chủ động xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp để thực hiện cùng với việc thực hiện chính sách giảm nghèo, lồng ghép với Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hỗ trợ người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, chính sách an sinh xã hội.

Chương trình 135 của huyện đã phê duyệt và triển khai 45 dự án với 1.185 hộ tham gia, tổng mức đầu tư lên đến 9,38 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã phê duyệt và triển khai 33 dự án, thu hút 154 hộ tham gia, với tổng kinh phí lên đến 12,491 tỷ đồng. Toàn huyện đã duy trì nhiều mô hình giảm nghèo từ những năm trước, đồng thời triển khai thêm mô hình nuôi bò sinh sản cho 35 hộ nghèo với tổng kinh phí lên đến 525 triệu đồng.

Huyện cũng tập trung phát triển những ngành kinh tế có thế mạnh như nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho nhiều lao động miền núi. Ba Chẽ đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất với quy mô trang trại, gia trại; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi đàn bò; ưu tiên phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với trồng dược liệu…

Đến nay, toàn huyện có 18 trang trại, gia trại, trong đó có 9 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Huyện đã triển khai 33 dự án phát triển sản xuất với sự tham gia của 154 hộ dân với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng; mở rộng diện tích vùng sản xuất tập trung một số cây chủ lực của địa phương, trồng dược liệu như ba kích tím, trà hoa vàng, mía tím, thanh long...

Cùng với đó, huyện đưa Cụm công nghiệp Nam Sơn đi vào sản xuất đã góp phần tạo cơ hội việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động miền núi. Huyện cũng đề xuất cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hoá, giáo dục đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi và thay đổi nhận thức thoát nghèo của người dân.

Nhờ nỗ lực nói trên, năm 2018 vừa qua, huyện Ba Chẽ đã có một năm bứt tốc trong công tác giảm nghèo. Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo lớn nhất tỉnh, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm rõ rệt. Cụ thể, năm qua toàn huyện giảm được 557 hộ nghèo (hiện còn 502 hộ nghèo), đạt 157% kế hoạch tỉnh giao, đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 9,44%, giảm 10,47% so với năm 2017; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 10,38%, giảm 4,91% so với năm trước. Năm 2018, toàn huyện đã có 104 hộ tại 8/8 xã, thị trấn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện nghèo và không tái nghèo những năm tiếp theo. Đây là năm có số hộ dân tự nguyện viết đơn thoát khỏi diện nghèo cao nhất từ trước đến nay của Ba Chẽ.

Đến nay, Ba Chẽ có 4 xã hoàn thành Chương trình 135, 3 xã về đích trước 1 năm so với lộ trình của Đề án 196. Năm 2019, huyện Ba Chẽ được phân bổ 77,384 tỷ đồng để triển khai 48 công trình hạ tầng và trên 20 dự án phát triển sản xuất. Dự kiến hết năm nay, Ba Chẽ phấn đấu đưa 6 xã còn lại ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, đưa xã Minh Cầm hoàn thành chương trình nông thôn mới, giảm 350 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,44% xuống dưới 5%, nâng thu nhập bình quân đầu người từ 33,6 triệu đồng/năm lên 37 triệu đồng/năm.

Năm 2019, chủ đề công tác của huyện là "Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ; hoàn thành Chương trình 135". Vì thế, Ba Chẽ đang phát huy tối đa sức mạnh nội lực và huy động tốt các nguồn lực cho phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng; thu hút đầu tư để tạo việc làm, thu nhập cho các hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo phát triển kinh tế; ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí, điều kiện và khả năng thoát nghèo, tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Từ đó, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống nhân dân.

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành