Những cán bộ tận tâm với công tác giảm nghèo

Đến Đồng Văn hôm nay, bộ mặt nông thôn từ cơ sở hạ tầng đến kinh tế của không ít gia đình đều có sự đổi thay rõ rệt; chất lượng cuộc sống của người dân từng ngày được nâng lên. Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương còn có sự góp sức từ các dự án giảm nghèo; trong đó, có chương trình cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tại địa phương. Với tâm niệm: “Giảm nghèo bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận”, những cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Đồng Văn luôn tận tâm, tận lực giúp cho nhiều gia đình trên vùng cao núi đá này từng ngày vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Văn kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ dân.

 

Vượt qua những khó khăn về mọi mặt, những cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Đồng Văn  luôn nỗ lực chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến từng người dân, giúp bà con các thôn, bản vùng cao có thêm đồng vốn để phát triển kinh tế, kinh doanh, sản xuất. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Đồng Văn chia sẻ: “Do điều kiện bà con còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận với các nguồn vốn còn hạn chế; vì thế, chúng tôi thường xuyên cùng với chính quyền địa phương, tổ trưởng các tổ vay vốn đến từng nhà tuyên truyền, vận động cũng như thuyết phục bà con mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình; còn những hộ đã vay, chúng tôi giúp họ định hướng trong phát triển kinh tế sao cho bền vững, lâu dài”. Hiện tại, còn rất nhiều gia đình nghèo, chưa tiếp cận được nguồn vốn, một số hộ vay vốn chưa sử dụng hiệu quả, đúng mục đích; vì thế, việc tuyên truyền sâu rộng đến người dân là trách nhiệm được đặt lên hàng đầu của mỗi cán bộ Ngân hàng CSXH trong quá trình thực hiện giảm nghèo bền vững cùng địa phương.

Làm cán bộ ở vùng cao đã vất vả, những đối với cán bộ Ngân hàng CSXH còn vất vả hơn gấp nhiều lần…, để người dân tiếp cận được nguồn vốn chính sách, ngày ngày chúng tôi đều không quản nắng mưa, đường xa để có những buổi giao dịch tại xã được tổ chức nhiều hơn; rút gần những khảng cách giữa người dân và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Ông Giàng Mí Chứ, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Ngài Lủng, thị trấn Đồng Văn chia sẻ: “Từ khi Ngân hàng CSXH đến tận xã giao dịch, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại.” Có thể nói, ở đâu có người nghèo, ở đó có cán bộ Ngân hàng CSXH.

Cũng như chị Linh, anh Nguyễn Bá Đông, Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ, Ngân hàng CSXH huyện Đồng Văn với 17 năm gắn bó với nghề và từng trải qua bao khó khăn, vất vả. Với anh, khi mang đến cho bà con những đồng vốn, không chỉ là trách nhiệm mà cũng là niềm vui lớn lao đối với anh. Từ nguồn vốn đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên trở thành khá giả. “Người dân các huyện vùng cao nói chung và huyện Đồng Văn nói riêng đều có những cái thiếu chung: Thiếu đất sản xuất và xây dựng chuồng trại, nên quy mô chăn nuôi hầu hết đều nhỏ lẻ. Đặc biệt, đối với những ngân hàng khác, khi cho vay cần phải có tài sản thế chấp, hoặc chứng minh thu nhập; khi xảy ra rủi ro có thể thanh lý tài sản để thu hồi nợ. Tuy nhiên, với Ngân hàng CSXH, đối tượng cho vay là hộ nghèo, người vay không phải thế chấp tài sản mà thông qua sự ủy thác của các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,… Do vậy, cán bộ Ngân hàng CSXH luôn phải phối hợp với chặt chẽ với địa phương đến từng hộ tuyên truyền, động viên người dân đẩy mạnh làm kinh tế; cũng như và sử dụng vốn vay đúng mục đích để trả nợ đúng hạn; đồng thời định hướng cho họ sử dụng vốn hiệu quả nhất”. Anh Đông chia sẻ.

Với mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện Đồng Văn đang được thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ chính quyền  huyện đến các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, bộ mặt Nông thôn mới của huyện đang từng ngày khởi sắc, phát triển; cuộc sống của người dân ngày càng được ổn định chính là nhờ có những cán bộ Ngân hàng CSXH tận tâm, tận lực như anh Đông, chị Linh cùng chung tay, chung sức.

 

Báo Hà Giang

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành