Những đổi thay ở vùng biên giới tỉnh Quảng Bình

Mười năm trước, mấy ai dám mơ rằng từ thành phố Đồng Hới đi công tác lên với các xã vùng cao phía tây Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa... về được trong ngày, chuyện xe ô tô vào tận trung tâm cụm xã, thậm chí vào tận bản, sát dưới chân nhà sàn của đồng bào thì chỉ có trong mơ? Bây giờ mơ ước đó đã thành hiện thực.

Trước đây đồng bào ngóng về xuôi mong ánh điện văn minh lên cùng bản làng, nay 88% xã với 80% hộ dân dùng điện lưới quốc gia. Và nữa, sóng truyền hình, internet, điện thoại, sóng di động bây chừ không còn xa lạ gì với người dân vùng sâu, vùng xa.

Người Rục, người A Rem anh em một thời bám hang, bám rừng, cận kề nguy cơ tuyệt chủng; người Vân Kiều, Mày, Ma Coong từ tập quán du canh du cư, sản xuất theo lối “chặt, đốt, cốt, trỉa” giờ làm quen với lúa nước. Những cánh đồng lúa nước Rục Làn (Thượng Hóa), Ka Ai (Dân Hóa), Khe Dây, Lâm Ninh (Trường Xuân), Sắt, Trung Sơn (Trường Sơn), Khe Giữa (Ngân Thủy), Xà Khía, Tân Ly (Lâm Thủy)... cho đồng bào hạt gạo trắng trong. Dù chưa đủ no ba trăm sáu mươi ngày, nhưng thực sự là niềm tự hào của chính tay người trồng lúa, của những người không quản nắng mưa, bám bản, bám dân đưa mô hình lên cắm bản vững chắc...

Thử điểm lại những “cú hích” diệu kỳ đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của miền biên viễn xa xăm. Ngoài các chương trình 135; Quyết định 134, 167; Nghị quyết 30a/CP; Dự án định canh định cư; chính sách vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số... thì chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006- 2010 có mức hỗ trợ lên đến 591.069 triệu đồng. Giai đoạn 2009- 2014, đồng bào tiếp tục được hưởng lợi từ các chương trình, dự án trên thêm 230.000 triệu đồng nữa.


Kinh tế phát triển, những nét đẹp văn hóa của đồng bào cũng được khôi phục, tôn vinh

Công tác giao đất, giao rừng cho đồng bào bước đầu triển khai rất hiệu quả, trên 2.600 hộ dân nhận 2.200 ha đất sản xuất nông nghiệp; 2.500 hộ nhận 5.500 ha đất rừng. Từ năm 2009 đến nay, hơn 1.000 hộ đồng bào được hỗ trợ sửa chữa, làm mới về nhà ở; 1.500 lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề. Nếu năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc trên 69% thì hiện tại giảm xuống còn 51%.

Ông Đặng Thái Tôn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình tâm sự rằng: “Ngoài sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, tập quán canh tác, cái được nhất mà đồng bào sở hữu là con em họ được đến trường. 100% xã miền núi hoàn thành phổ cập giáo dục bậc tiểu học, 95% xã xong phổ cập THCS.

Năm học 2013- 2014, trên 5.500 học sinh con em dân tộc từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở theo học tại các trường công lập. Toàn tỉnh có 5 trường dân tộc nội trú, tiếp nhận 1.200 học sinh dân tộc. Đến nay, 115 con em đồng bào thi đỗ và theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Người Rục, Ma Coong, Mã Liềng... tự hào vì trước đây thất học, mù chữ mà nay con em mình xong đại học, ra trường có công ăn việc làm, cống hiến cho bản làng, quê hương”.

700 hộ đồng bào dân tộc có kinh tế khá giả, trong đó 500 hộ thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ năm; 200 hộ thu nhập trên 70 triệu đồng/năm... là những con số thống kê chưa hẳn đã đầy đủ, nhưng tôi tin giữa đại ngàn Trường Sơn sẽ còn nhiều, nhiều gia đình “ăn nên làm ra” hơn thế nữa.

Trong khoảng thời gian gần một tháng trời, tôi đã đi và gặp họ, những bông hoa đa sắc màu giữa một rừng hoa đẹp: Hồ Soa, Hồ Văn Thương, Hồ Văn Pan, Hồ A Lai, Hồ Văn Ngọ, Đinh Hợp, Hồ Thị Lan, Hồ Thị Thanh, Y Quyết... dân tộc Bru- Vân Kiều; Cao Duy Ư, Hồ Viên, Đinh Rầu, Y Đan, Cao Tiến Thuỳnh... dân tộc Chứt; Bàn Văn Sơn dân tộc Thổ.


Đồng bào Vân Kiều bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy đã quá quen thuộc với cây lúa nước

Hơn 10 năm, những “cú hích” từ phía Nhà nước, từ tỉnh đánh thức những tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở miền núi. Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số, một vai Ban Dân tộc tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh gánh vác phần nhiều.

Cũng theo lời ông Đặng Thái Tôn thì: “Những thành tựu đạt được về kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng tại 17 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước về chính sách đại đoàn kết dân tộc. Kết cấu cơ sở hạ tầng miền núi, vùng sâu vùng xa như: điện, đường, trường, trạm, chợ... là điều kiện cần cho đồng bào xây dựng cuộc sống mới.

Tiếp theo, để giúp đồng bào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ vốn; cơ chế, chính sách vay vốn ưu đãi; giao đất, giao rừng; khoa học kỹ thuật; giống cây trồng vật nuôi... Đặc biệt, chính sách vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; chính sách đầu tư cho các xã biên giới; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách cấp không thu tiền một số báo, tạp chí tuyên truyền đang mang lại những hiệu quả thiết thực”.

Hành trình gần lại với nhau, thu hẹp khoảng cách giữa miền núi, miền xuôi đã thênh thênh rộng mở. Đồng bào mỗi nơi, tùy tộc người mà lựa chọn cho mình những con đường phù hợp. Những lối đi ngắn, để cuối cùng cũng chung điểm đến: chiến thắng đói nghèo, xây dựng làng bản văn minh, giàu đẹp hơn.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành