Những nỗ lực giảm nghèo ở Hàm Thuận Bắc
Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, gồm 15 xã và 02 thị trấn, trong đó có 04 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang được hưởng lợi từ Chương trình 135 của Chính phủ là Đông Giang, Thuận Minh, Thuận Hòa và La Dạ... Kinh tế của huyện chủ yếu là thuần nông, trong những năm gần đây nhờ việc trồng cây Thanh Long, cao su cùng những cây ăn trái khác đã giúp cho người dân giảm nghèo bền vững.
Nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành của huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về giảm nghèo cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng. Đặc biệt, Phòng Lao động – TBXH đã tổ chức Hội nghị tham vấn về các chính sách giảm nghèo tại 05 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao với 250 hộ nghèo tham dự; cấp phát 5.300 tờ rơi tuyên truyền về chính sách giảm nghèo tại 17 xã, thị trấn trong huyện, giới thiệu các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, gương người tốt, việc tốt trong trợ giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là đồng bào DTTS.
Về chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, đến nay đã có 931 lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất với kinh phí hơn 11,6 tỷ đồng; 744 lượt học sinh, sinh viên vay ưu đãi học tập với kinh phí trên 5,2 tỷ đồng; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 32.022 lượt học sinh thuộc hộ nghèo với kinh phí thực hiện trên 14,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã tổ chức cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, 3 năm qua, 704 hộ đã được giải ngân với tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra, 866 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí trên 14,5 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ xây dựng nhà cho 18 hộ nghèo tại 02 thị trấn Ma Lâm và Phú Long với kinh phí 270 triệu đồng;... Nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo có đất sản xuất, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện việc khai hoang 82ha và cấp cho 235 hộ đồng bào DTTS tại 02 xã La Dạ và Thuận Hòa, ký hợp đồng ứng trước cây bắp lai cho 2.445 hộ trên diện tích 4.962 ha với kinh phí trên 5,7 tỷ đồng tại 04 xã: Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, Thuận Hòa và 297 hộ/104ha cây lúa nước tại 02 xã Đông Tiến và Thuận Hòa.
Việc dạy nghề, hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn thuộc hộ nghèo cũng được các cấp, các ngành của huyện quan tâm, 3 năm qua, toàn huyện đã có 5.547 lao động nông thôn được dạy nghề, chủ yếu là trồng và chăm sóc Thanh Long, kỹ thuật trồng lúa nước, bắp lai, kỹ thuật cạo mủ Cao su, mộc dân dụng, may công nghiệp, ...với tổng kinh phí 6,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chương trình dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trạm Khuyến nông mở trên 100 lớp tập huấn mô hình, cách làm ăn và tổ chức hội thảo đầu bờ cho hơn 2.800 lượt người tham gia, trong đó có hơn 1.000 lượt người nghèo. Qua đó, người nghèo có cơ hội tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật để từng bước xóa bỏ cung cách làm ăn mang tính tự cung, tự cấp.
Thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế, Hàm Thuận Bắc đã cấp thẻ BHYT cho 45.327 lượt người nghèo, 1.318 thẻ cho người thuộc hộ cận nghèo với kinh phí hỗ trợ hơn 21,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện theo chính sách của UBND tỉnh, huyện đã cấp kinh phí 3,1 tỷ đồng cho 3.586 người thuộc hộ mới thoát nghèo. Ngoài ra, các cơ sở y tế của huyện còn phối hợp với các Bệnh viện tỉnh và Trung ương tổ chức nhiều đoàn y, bác sỹ đến các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào DTTS khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tư vấn sức khỏe cho nhân dân, góp phần tích cực công tác chăm lo sức khỏe người nghèo và đồng bào DTTS. Tính đến nay, đã có 100.606 lượt người nghèo được khám, chữa bệnh với tổng kinh phí miễn, giảm là 5,5 tỷ đồng...
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã vùng cao và các thôn xen ghép thông qua các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 134, Chương trình 135 giai đoạn II, vốn định canh, định cư, vốn tín dụng ưu đãi...đến nay, Hàm Thuận Bắc đã được đầu tư trên 412,5 tỷ đồng với 18 công trình đường giao thông, 06 nhà làm việc các xã, thị trấn, 14 trường học, 02 khu dân cư cùng các công trình phúc lợi khác nhằm phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân ở các xã vùng cao, các thôn xen ghép đặc biệt khó khăn. Các công trình hiện đang sử dụng có hiệu quả, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương...
Theo ông Trần Ngọc Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian qua, các ban ngành chức năng của huyện đã có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai Chương trình giảm nghèo. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác giảm nghèo có chuyển biến rõ nét, nhờ đó, việc huy động các nguồn lực cho giảm nghèo ngày càng đa dạng, phong phú. Trong 03 năm, toàn huyện đã giảm được 1.966 hộ nghèo, đạt tỷ lệ là 5,1%, giảm 655 hộ/năm, tương ứng 1,7%; giảm 245 hộ cận nghèo, đạt tỷ lệ 0,75%, giảm 82 hộ/năm. Mục tiêu đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% ở vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và dưới 7% đối với các vùng xen ghép. Đến năm 2020, không còn nhà tạm bợ, dột nát; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 tăng 1,8 lần so với năm 2010 và tăng 2 lần so với năm 2015.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của địa phương cũng còn khó khăn do thiếu quỹ đất sản xuất cho hộ nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS; kết quả giảm nghèo ở một số xã thiếu vững chắc, phần lớn hộ thoát nghèo nằm sát chuẩn nghèo, nguy cơ tái nghèo và tỷ lệ tái phát sinh nghèo mới còn cao; việc lồng ghép Chương trình giảm nghèo với các Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác chưa chặt chẽ, thiếu tập trung; mức cho vay vốn vay tín dụng ưu đãi hộ nghèo còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn để phát triển sản xuất của từng hộ, nhiều hộ nghèo DTTS chưa được vay nguồn vốn này...
Để khắc phục khó khăn trên, cũng theo ông Trần Ngọc Hiền: “Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo giảm nghèo tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân; Thực hiện lồng ghép các chương trình, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực do Nhà ngước đầu tư gắn với các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và các xã đặc biệt khó khăn; Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển toàn diện ; Tranh thủ các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đầu tư phát triển các công trình dịch vụ, phúc lợi công cộng ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo được thụ hưởng và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; Phát huy dân chủ của người dân trong công tác giảm nghèo, gắn việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, coi trọng sự tham gia của người dân trong hoạt động giảm nghèo...”./.