Những “nút thắt” cần tháo gỡ trong việc bố trí nguồn lực đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi
Vùng DTTS và miền núi nhiều năm qua đã thụ hưởng rất nhiều chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng hầu hết các chương trình, chính sách đều có chung một đặc điểm là không được bố trí đủ vốn, bố trí không kịp thời. Một trong những nguyên nhân chính là do hầu hết các chương trình, chính sách đều không ghi rõ tổng vốn, nguồn vốn để thực hiện.
Nhiều nhưng dàn trải!
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm qua đã có rất nhiều chính sách, nguồn lực ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào DTTS. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 có 184 chính sách, giai đoạn 2016-2020, có 116 chính sách được ban hành. Đối với 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên), giai đoạn 2016-2020 đã bố trí đầu tư gần 200 nghìn tỷ đồng, vốn ODA là hơn 38 nghìn tỷ đồng, tăng 2,47 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Ngoài ra, số liệu mới đây của Bộ Tài chính cũng cho thấy sự ưu tiên trong bố trí nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi. Cụ thể, trong hai năm 2017-2018, ngân sách bố trí khoảng 187 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào DTTS.
Đây rõ ràng là khoản kinh phí không hề nhỏ trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cho thấy nỗ lực của Chính phủ quyết tâm kéo gần khoảng cách phát triển vùng DTTS và miền núi so với các vùng miền khác. Nhưng từ nhiều năm nay, khi thảo luận về chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều chất vấn các thành viên Chính phủ vì sao không ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách.
Thực tế, các chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS đã thực sư được ưu tiên bố trí nguồn lực. Nhưng vì có quá nhiều chính sách, lại do nhiều đầu mối quản lý nên sự ưu tiên đó không được thể hiện rõ ràng, cụ thể.
Trong phiên trả lời chất vấn trước Hội đồng Dân tộc của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, hiện nay có 4 nhóm chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS, bao gồm nhóm hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ về điều kiện sinh hoạt… trên phạm vi cả nước. Tất cả những chính sách này có nguồn lực thực hiện không hề nhỏ. Chỉ tính trong năm 2018 riêng năm 2018, tổng chi cho chính sách cho đồng bào DTTS ước khoảng 96 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tính ưu tiên trong bố trí vốn thực hiện chính sách cho đồng bào DTTS được thể hiện ở hầu hết các khoản chi thường xuyên, trong mọi lĩnh vực. Chẳng hạn như định mức chi cho giáo dục tính theo dân số trong độ tuổi từ 1 đến 18 tuổi, vùng đô thị được phân bổ 2,148 triệu đồng/người/năm, vùng đồng bằng là 2,527 triệu đồng/người/năm, vùng núi, đồng bào DTTS là 3,538 triệu đồng/người/năm, vùng cao, hải đảo là 5,034 triệu đồng/người/năm…
Không rõ vốn, khó thực hiện
Số liệu chi thường xuyên nêu trên đã thể hiện rõ tính ưu tiên khi bố trị nguồn lực thực hiện chính sách cho đồng bào DTTS. Nhưng vì rải mành mành, lại khó phân khai vốn nên rất khó xác định rõ tính ưu tiêu đó khi đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc.
Ở chiều ngược lại, tình trạng “nợ” chính sách lại rất dễ nhận thấy. Tại phiên giải trình về chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi ngày 30/8 mới đây, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đã khá gay gắt khi nhắc lại thực trạng một số chính sách đã hơn 3 năm ban hành chưa có nguồn lực để triển khai thực hiện.
Nhất là chính sách đặc thù phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTG. Chính sách này ban hành từ năm 2016, đến nay 2019 mới được ghi phân bổ nhưng vẫn chưa được bố trí nguồn lực thực hiện.
“Đồng bào chờ đợi, mong mỏi chính sách không khác gì một loại quả đẹp chỉ để ngắm, không ăn được”, đại biểu Lịch bày tỏ.
Vì sao chính sách này không thể bố trí vốn để thực hiện? Bộ Tài chính cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều lý giải là do chính sách được phê duyệt sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua, nên không bố trí được nguồn lực.
Nhưng đây cũng chỉ là nguyên nhân khách quan. Xét cho cùng thì chính sách này được ban hành nhưng đang “chỉ để ngắm” là do “lỗi” nằm ngay trong văn bản pháp quy. Trong quyết định 2085/QĐ-TTg không quy định rõ tổng vốn thực hiện như thê nào, lấy nguồn từ đâu mà chỉ ghi một cách chung chung.
Không chỉ riêng Quyết định 2085/QĐ-TTg mà ở nhiều chính sách khác cũng lâm vào tình trạng này. Đơn cử như chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS theo Quyết định 755/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP;… Hầu hết các chính sách đều đặt ra mục tiêu lớn, nhưng lại không quy định cụ thể tổng vốn, nguồn vốn để thực hiện nên cuối cùng lâm vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Đây là “nút thắt” cần được tháo gỡ khi xây dựng, ban hành chính sách cho đồng bào DTTS trong thời gian tới. Bởi với xuất phát điểm thấp, các địa phương vùng DTTS và miền núi vẫn phải trông chờ vào ngân sách nhà nước, cụ thể là nguồn lực từ các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội.