Nỗ lực giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer
Thực hiện các chương trình, dự án của Chính phủ trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer phát triển sản xuất, những năm qua, trên địa bàn huyện Long Mỹ xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong việc thoát nghèo.
Thoát cảnh nghèo
Ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, hầu như ai cũng biết đến ông Danh Quận, bởi sự chịu thương, chịu khó, vươn lên thoát nghèo và trở nên làm ăn khấm khá của gia đình ông.
Chúng tôi đến gia đình ông vào một buổi chiều của những ngày giữa tháng 8, cũng là lúc ông đang cặm cụi chăm sóc vườn rau, với diện tích trên 400m2. Ông Danh Quận vui vẻ nói: “Thấy vườn rau vậy mà đã giúp gia đình tui rất nhiều trong nuôi 5 đứa con ăn học đó nghe. Hiện tại, có một đứa đang học sau đại học và 2 đứa đang học đại học. Cũng nhờ nó và sự tằn tiện, tích cóp trong nhiều năm mà tôi cất được ngôi nhà khá khang trang”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về quá trình “thoát nghèo” bằng số vốn 5 triệu đồng từ Chương trình 135 (giai đoạn II) của Chính phủ hỗ trợ. Ông bảo, với nhiều người, số tiền đó không thấm tháp gì, nhưng với người “tận cùng nghèo khó” như ông, nó có ý nghĩa rất lớn.
Ngay sau khi nhận tiền hỗ trợ, ông mua hạt giống, vật liệu cần thiết để trồng rau trong mùng lưới (rau sạch). Do chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm, lại tuyệt đối không dùng hóa chất nên rau sạch của ông được nhiều tiểu thương ở chợ Lương Nghĩa đua nhau đặt hàng. Mỗi ngày, gia đình ông bán được trên 150.000 đồng từ rau. “Chính số vốn do chính quyền hỗ trợ đã giúp gia đình tui đổi đời, bây giờ cuộc sống gia đình tui “dễ thở” hơn trước rất nhiều rồi...”, ông Danh Quận nói.
Với gia đình ông Ngô Nhưng, ở ấp 5, xã Xà Phiên, câu chuyện thoát nghèo cũng không kém phần hấp dẫn. Tâm sự với chúng tôi, ông Nhưng bảo, cách đây gần 10 năm, gia đình ông đến cái ăn cũng còn thiếu, nhưng sau đó nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương mà đời sống gia đình sung túc, khấm khá hơn. “Trước đây, vợ chồng tui chỉ mong sao đủ ăn là được, có dám mơ đến căn nhà vài trăm triệu đồng đâu. Tất cả đều khởi nguồn từ số vốn 15 triệu đồng của Chương trình 135 cả...”, ông Nhưng cho biết.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về sự “sinh sôi nảy nở” từ số vốn ban đầu, ông Nhưng trải lòng, sau khi vay được vốn, vợ chồng ông đầu tư hết vào việc xây chuồng và mua gà Bến Tre về nuôi. Nhờ cán bộ khuyến nông của huyện hướng dẫn cách nuôi, cộng với việc tìm tòi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc nên đàn gà của ông ngày càng phát triển tốt. “Đợt đầu tui nuôi khoảng 400 con, lãi gần 20 triệu đồng. Thấy hiệu quả, tui đầu tư hết vào việc mở rộng diện tích chuồng và tăng dần số lượng. Từ năm 2005 đến nay, tôi có 2 chuồng và mỗi chuồng nuôi khoảng 500 con gà. Một năm, tui nuôi 3 đợt và mỗi đợt lãi khoảng 40 triệu đồng. Từ đó, tui bắt đầu tính đến chuyện xây nhà cửa, sắm sửa phương tiện sinh hoạt để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình...”, ông Nhưng nói trong niềm vui.
Ở huyện Long Mỹ còn rất nhiều câu chuyện của những cá nhân điển hình trong việc thoát nghèo như gia đình ông Danh Dê, ở ấp 5, xã Lương Tâm. Gia đình ông chỉ có 1 công ruộng, nhưng nhờ khoảng 400m2 diện tích trồng rau sạch mà đã thoát nghèo. Gia đình bà Thị Hội, ở ấp 5, xã Lương Nghĩa chỉ có 2 công đất, nhưng nhờ trồng khoảng 300m2 rau sạch mà đã thoát nghèo và là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền...
Tiếp tục phát huy
Theo Phòng Dân tộc huyện Long Mỹ, từ năm 2009-2014, huyện thụ hưởng Chương trình 135 (giai đoạn II) của Chính phủ trên 45 tỉ đồng. Từ đó, cầu, đường, trường, trạm được xây dựng và có nhiều thay đổi, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện có bước phát triển hơn. Nếu năm 2010, toàn huyện có 51% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, thì đến cuối năm 2013 còn 38,42%.
Nghe chúng tôi kể lại những câu chuyện nhiều bà con Khmer thoát nghèo, ông Võ Thành Tài, Trưởng phòng Dân tộc huyện Long Mỹ, tỏ ra không mấy ngạc nhiên. Ông cho rằng, có được như thế là do chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã tận tâm, tận lực giúp đỡ bà con thoát nghèo bằng cách “cầm tay chỉ việc”; đối tượng được giúp đỡ phải do chính quyền địa phương lựa chọn chính xác, nghĩa là thuộc diện nghèo, nhưng phải chí thú làm ăn. Bên cạnh đó, phương thức giúp bà con cũng phải phù hợp với tập quán sản xuất, nguyện vọng, hoàn cảnh của mỗi gia đình, khắc phục tình trạng chỉ giải quyết khó khăn nhất thời, trước mắt mà không coi trọng tính căn bản, hiệu quả lâu dài. Đặc biệt, phải biết chú trọng tuyên truyền, động viên, phát huy sự cố gắng, nỗ lực, tự thân vươn lên của từng gia đình, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại... “Thật mừng việc giúp các hộ đồng bào Khmer nghèo vươn lên khấm khá, làm chủ cuộc sống được các cấp ủy đảng, chính quyền các phòng, ban, ngành, đoàn thể ở huyện hết sức quan tâm trong thời gian qua”, ông Tài cho biết thêm.
Song song đó, công tác đào tạo nghề trong đồng bào dân tộc cũng được chính quyền địa phương huyện Long Mỹ chú trọng. Chỉ tính riêng năm 2013, các ngành chức năng đã mở khoảng 70 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó có trên 200 học viên đồng bào dân tộc tham gia. Từ các lớp đào tạo nghề này, nhiều hộ đã vận dụng kiến thức khá tốt vào sản xuất, đem lại cuộc sống ổn định, khá giả.
Ông Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: “Muốn giúp đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo thì phải sâu sát với từng hộ để “chắp cánh” cho họ. Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các xã trong huyện luôn coi trọng đối thoại với hộ nghèo nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để có giải pháp giúp đỡ từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, giúp Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo chủ động đề ra phương hướng giúp từng hộ thoát nghèo bền vững. Để bà con sử dụng vốn đạt hiệu quả cao, các địa phương còn cử cán bộ kèm cặp, hướng dẫn cách làm ăn, thường xuyên kiểm tra mô hình kinh tế của họ. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của huyện nói chung, trong đồng bào người dân tộc Khmer nói riêng cơ bản đã thực hiện theo hướng giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo...”.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, quan tâm phát triển bồi dưỡng nguồn nhân lực, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các ấp đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc, trước hết tập trung phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là vùng đồng bào đặc biệt khó khăn...”, ông Thắng nhấn mạnh.