Nuôi dê, nuôi bò giúp dân vùng biên giới huyện Lộc Ninh thoát nghèo

Nhiều nhà nông ở vùng biên huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có đến 10 năm đói nghèo sau khi lập gia đình, do thiếu "ý tưởng" trong mô hình sản xuất. Nhưng gần đây, bà con truyền nhau mô hình kinh nghiệm nuôi dê, nuôi bò để nhanh thoát nghèo. Cũng nhờ đó mà các hộ nghèo nơi đây đã thay đổi nhanh cuộc sống, đầy lùi nạn đói. Hiện mô hình này đang lan tỏa trong các hộ nhà nông, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ/vụ.

Hộ nghèo dân tộc thiểu số chị bà Thị Ý ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn được hỗ trợ giãn nợ do ảnh hưởng COVID-19.

 

Nhiều nhà nông ở vùng biên huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có đến 10 năm đói nghèo sau khi lập gia đình, do thiếu "ý tưởng" trong mô hình sản xuất. Nhưng gần đây, bà con truyền nhau mô hình kinh nghiệm nuôi dê, nuôi bò để nhanh thoát nghèo. Cũng nhờ đó mà các hộ nghèo nơi đây đã thay đổi nhanh cuộc sống, đầy lùi nạn đói. Hiện mô hình này đang lan tỏa trong các hộ nhà nông, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ/vụ.

Các nhà nông cho biết nuôi con dê, con bò thay cho cây hồ tiêu - “cây vàng đen” đang trong thời kỳ gặp khó đã giúp gia đình đạt ngay hiệu quả kinh tế; qua đó lấy ngắn nuôi dài, giúp cho kinh tế gia đình thêm bền vững.

Theo ghi nhận, tại “thủ phủ” hồ tiêu Lộc Ninh phần lớn bà con dựa vào cây tiêu làm mô hình kinh tế chính của gia đình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây giá hồ tiêu “lao dốc” đã ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế của bà con. Khó khăn chồng chất, nhiều hộ nghèo tái diễn nợ nần. Trong "cái khó ló cái khôn” – nhà nông Lâm Nghiêm ở ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú (huyện biên giới Lộc Ninh) vốn là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo của xã. Nguyên nhân đói nghèo là do trước đây trong gia đình anh Nghiêm cứ bám mấy sào đất trồng hồ tiêu, kết hợp đi làm thuê cuốc mướn để lo về "cái ăn" hàng ngày.

Cộng thêm giá hồ tiêu liên tục xuống, thu nhập gia đình ngày càng ít ỏi, quanh năm sống trong cảnh thiếu thốn, đói nghèo đeo bám gia đình anh Nghiêm trong nhiều năm nay. Bám vườn tiêu không đủ sống, quanh năm lo đói, vợ chồng anh Nghiêm quyết định tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của địa phương với nguồn vốn vay 20 triệu đồng để mua 4 con dê giống. Nhờ đó, gia đình anh Nghiêm đã tìm được hướng thoát nghèo. Đến nay, gia đình anh đang có 11 con dê đang sinh trưởng phát triển tốt chưa kể số dê đã bán để có tiền chi tiêu trong gia đình.

Sau khi nhận từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, năm 2019 gia đình anh còn được cấp 2 con bò giống từ Chương trình 135. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lộc Ninh tạo điều kiện thêm vốn vay hơn 60 triệu đồng để xây hệ thống nước sạch vệ sinh môi trường và mở rộng gia tăng sản xuất. Đến nay, hai vợ chồng nhà nông Lâm Nghiêm tạo dựng được mô hình kinh tế ổn định, vươn lên thoát nghèo, không còn phải đi làm thuê liên tục như trước kia.

Anh Lâm Nghiêm chia sẻ: “Lúc trước gia đình tôi đã khó khăn, nhưng sau khi tiêu xuống giá càng thiếu thốn hơn. Mảnh đất ít ỏi được gia đình chia lại chỉ có 0,3 ha nên phải đi làm thuê làm mướn cho người ta mới có ăn cái mặc. Khoảng 2 năm nay, nhờ các nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ mua con dê, cho cặp bò bây giờ làm ăn cũng khấm khá hơn nên gia đình tôi mừng lắm”.

Cũng theo hướng mô hình nuôi dê, nuôi bò cũng giúp cho nhà nông Lâm Canh và chị Niêng Thị Phương ở ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh thoát nghèo sau 10 năm lập gia đình. Anh Lâm Canh cho biết cưới nhau hơn 10 năm nhưng cái nghèo cứ đeo bám do không tìm được hướng phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua học tập từ bà con đi trước và được sự trợ giúp của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Ninh về nguồn vốn 40 triệu đồng vợ chồng anh Canh đã mua dê, mua bò về nuôi.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Ninh hỗ trợ vay với số tiền 50 triệu đồng giúp gia đình anh anh Lâm Canh sửa chữa nhà cửa ổn định chỗ ở. Sau khi tìm được hướng sản xuất từ việc thả nuôi 2 con bò, 4 con dê giống qua 2 năm nay, anh Canh đã nhân lên đàn hàng chục con. Hiện nuôi dê bán thịt rất được giá đã cho thu nhập cao nên gia đình dần ổn định và đã cơ bản thoát hộ nghèo.

Anh Lâm Canh phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi cảm ơn chính quyền địa phương các cấp, người thân đã hỗ trợ có bò, có dê và được xây nhà kiên cố. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ đó đã giúp cho tôi xoay sở phát triển đàn dê cho thu nhập khá hơn trồng hồ tiêu và nhiều cây khác. Hiện nay, cuộc sống gia đình cũng được ổn, không còn đói nghèo bám suốt 10 năm nay".

Chủ tịch UBND xã Lộc Phú Nguyễn Văn Vũ cho biết, nhận thấy sự tình hình khó khăn của bà con gặp cuộc sống nghèo, xã đã đề nghị cấp trên tạo điều kiện cho một số bò giống, dê giống và hướng dẫn kỹ thuật để bà con trồng cỏ đưa vào phục vụ chăn nuôi. Qua chỉ tiêu trên giao, xã thực hiện quyết tâm xóa nghèo. Kết quả, mô hình hỗ trợ dê giống cho bà con đã giúp được 86 hộ thoát nghèo trong năm 2019; trong đó, có 20 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện nay (tính đến tháng 5/2020), số hộ nghèo của xã vẫn còn 219 hộ và 197 hộ cận nghèo.

Giúp bà con tìm hướng thoát nghèo của xã Lộc Phú thuộc huyện biên giới Lộc Ninh cũng từ mô hình nuôi dê, bò và xã phấn đấu giúp thoát nghèo cho 145 hộ; trong đó, có 45 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số trong năm nay 2020, ông Nguyễn Văn Vũ cho biết thêm.

Không chỉ hộ gia đình anh Lâm Nghiêm, vợ chồng anh Lâm Canh, Niêng Thị Phương còn rất nhiều hộ nghèo đã vươn lên vượt khó thoát khỏi cái nghèo nhờ nuôi dê, nuôi bò thay thế cây tiêu được xem là hướng đi mới ở vùng biên Bình Phước. Tính đến năm 2020, Bình Phước tuy đã cơ bản đã xóa được hộ đói, nhưng tỷ lệ chuẩn nghèo theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều vẫn còn đến 2,56% vào cuối tháng 3/2020

 

(dantocmiennui.vn)

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành