Nuôi nhím ở Tân Đức
Chúng tôi tìm đến trang tại nuôi nhím đầu tiên ở thôn Suối Giêng, xã Tân Đức (Hàm Tân). Gia đình anh Nguyễn Văn Nhất và chị Võ Thị Nguyệt đã dốc ra hơn 1 tỷ đồng cho mô hình nuôi nhím sinh sản.
Chị Nguyệt kể: Ban đầu cho nhím ăn một số rễ cây đào được trong vườn. Khi hết rễ, anh chị cho nhím ăn các loại khoai củ, bầu bí, thậm chí có lúc cho ăn cả cơm. Đợt đầu tiên, anh chị nhập về 30 cặp nhím từ 2 đến 5 tháng tuổi, sau 3 tháng dày công chăm sóc, toàn bộ số nhím nuôi đều tăng trọng, bình quân mỗi tháng tăng 1kg/con. Vợ chồng chị Nguyệt đang có kế hoạch biến 1 ha đất vườn làm nơi nhân rộng mô hình nuôi nhím giống.
Một lần chị Nguyệt lên thành phố thăm người thân. Thấy trong điều kiện chật hẹp vẫn có người nuôi nhím đạt hiệu quả. Từ đó anh chị nảy ý định nuôi nhím. Anh chị đã xây chuồng gạch kiên cố dưới các tán cây râm mát, khoảng 1 sào với 4 dãy chuồng, mỗi dãy chia làm 10 ngăn, mỗi ngăn rộng khoảng 1,5m2 rào lưới B40 chung quanh, đủ không gian thoáng đãng cho một cặp nhím qua các thời kỳ sinh sản. Đã có nhiều người khuyên anh nên nuôi nhím trên nền đất như trong thiên nhiên, nhưng anh giải thích nhím hay đào hang, hang rất sâu và ngoằn ngoèo. Vì vậy nếu nuôi trên nền đất, nhím dễ thoát ra ngoài và rất khó tìm thấy.
Nhím ăn ngày nhiều lần nhưng đặc biệt ăn nhiều về đêm. Về chuồng trại, chỉ cần giữ vệ sinh tốt, thông thoáng, đầy đủ ánh sáng, không khí. Mỗi ngày quét dọn chuồng một lần. Từ ngày mở trại đến nay, anh chị Nguyệt chưa phát hiện được trường hợp đau bệnh nào. Với giá nhím giống hiện nay được bán ra từ 10 đến 12 triệu đồng một cặp. Mỗi năm nhím đẻ 2 lứa thì chỉ trong vòng 1 năm có thể thu lại vốn từ cặp giống thuần chủng đầu. Riêng nhím thịt nếu nuôi tốt trong 1 năm có thể trưởng thành lên đến 15kg/con, có giá 150 ngàn/1kg hơi thì hiệu quả cao so với các loại đầu tư khác hiện thời tại vùng đất nông nghiệp này.
Theo Báo Bình Thuận
[TT: N.T.P]