Phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo
Không trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đã nỗ lực vươn lên để thoát nghèo; nhiều hộ dù còn khó khăn nhưng đã mạnh dạn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bởi họ đều nghĩ, thoát nghèo không khó nếu biết cách làm.
Chủ động xin thoát hộ nghèo
Sinh ra không được may mắn như người khác, do di truyền nên tay và chân của anh Chu Văn Minh, ở thôn Đồng Tiến (xã Phúc Sơn) đều khuyết nhiều ngón. Gia cảnh anh nghèo từ thuở nhỏ, lớn lên lập gia đình cũng chẳng khá hơn.
Nhưng anh không nản chí. Dù tật nguyền nhưng anh vẫn học được nghề thợ xây. Ngoài việc giúp vợ làm ruộng, chăn nuôi lợn, anh còn có thêm thu nhập từ nghề của mình.
Anh Minh chia sẻ, làm ruộng, nuôi lợn thì từ nhỏ ở với bố mẹ đã quen làm. Khi lấy vợ cũng nuôi thả mấy con gọi là “bỏ ống” tiết kiệm. Sau đó, anh cùng vợ tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi do xã tổ chức mới quyết định nuôi thành đàn. Từ chỗ nuôi vài con lợn, dần dân anh nuôi nhiều hơn; có lúc trong chuồng nuôi từ 50-70 con lợn thịt.
Dành dụm được ít tiền, cộng với số tiền 40 triệu đồng do MTTQ huyện và nhà hảo tâm hỗ trợ, cuối năm 2017, anh xây căn nhà mới khang trang, kiên cố để ở. Sau đó, đầu năm 2018, gia đình anh Minh đã xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã Phúc Sơn.
“Cuộc sống đã ổn định, nay lại làm được nhà cửa khang trang nên tôi xin rút khỏi hộ nghèo để quyết tâm vươn lên hộ khá”, anh Minh tự tin nói.
Cũng như gia đình anh Minh, nhiều hộ khác ở thôn Đồng Tiến cũng đã vận dụng những kiến thức thông qua buổi tập huấn để triển khai các mô hình kinh tế. Được biết, thôn có 104 hộ (gồm dân tộc Tày, Nùng); những năm gần dây người dân trong thôn rất tích cực phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo. Trong 2 năm 2016, 2017, thôn có 21 hộ thoát nghèo, trong đó 11 hộ tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Các hộ tự nguyện xin thoát nghèo đều đã vươn lên; nhiều hộ xây được nhà cửa khang trang, điển hình như gia đình anh Vi Văn Nhất, Ma Phúc Nghiệp, Ma Quốc Duyệt, Chu Văn Minh, Chẩu Văn Tiệp…
Không chỉ riêng thôn Đồng Tiến mà phong trào phát triển kinh tế hộ cũng phát triển mạnh mẽ ở toàn xã Phúc Sơn. Qua đó, nhiều hộ đã vươn lên thành khá giả; không ít gia đình dù còn khó khăn nhưng vẫn tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, với quyết tâm phải thoát khỏi danh phận nghèo thì mới thực sự thoát nghèo.
“Thâm canh tăng vụ” để làm giàu
Một điểm nhấn đáng chú ý ở Phúc Sơn là ý chí vươn lên, không cam chịu nghèo của người dân, nhất là các hộ dân tái định cư công trình thủy điện Na Hang. Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng với việc được tiếp cận kiến thức canh tác mới, nhiều hộ đồng bào tái định cư ở Phúc Sơn đang vươn lên làm giàu.
Điển hình là thôn Phiêng Tạ, nơi sinh sống của 114 hộ, hơn 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Dao đỏ trước đây sinh sống ở vùng lòng hồ Na Hang về tái định cư. Được cấp đất sản xuất và hỗ trợ giống, phân bón, bà con ở thôn Phiêng Tạ đã ổn định cuộc sống. Đặc biệt, được tiếp cận thông tin thường xuyên, đồng thời được tập huấn kỹ thuật, người dân thôn Phiêng Tạ đang “không cho đất nghỉ”, vừa thâm canh, vừa tăng vụ để tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.
Gia đình chị Bàn Thị Lái ở thôn Phiêng Tạ có một sào đất. Sau vụ lạc, chị lại làm đất để trồng lúa, cứ thế xoay vòng. Mỗi vụ lạc đem lại thu nhập cho gia đình trên dưới 10 triệu đồng; lúa thì để tích trữ. Ngoài ra, gia đình chị Lái còn có trên 2 ha vườn keo đã được 2 năm tuổi. Với nguồn thu nhập ổn định, năm 2016, gia đình chị Lái cùng với 4 hộ người Dao đỏ khác ở thôn Phiêng Tạ làm đơn xin thoát nghèo.
Được biết, thôn Phiêng Tạ hiện có 22 ha đất xen canh lạc, lúa; trên 100 ha rừng sản xuất. Đến Phiêng Tạ vào ngày mùa sẽ bắt gặp hình ảnh thửa này thu hoạch lạc, thu hoạch lúa thì thửa kia đã làm đất gieo mạ.
Không chỉ Phiêng Tạ mà nhiều thôn ở Phúc Sơn cũng thực hiện thâm canh tăng vụ để tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác. Đặc biệt, với việc xác định cây lạc là cây trồng chủ lực trong xóa nghèo, chính quyền xã Phúc Sơn đã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân đưa những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật. Toàn xã hiện có trên 680 ha đất trồng lạc, được xem là vựa lạc của huyện Chiêm Hóa.
Ông Chẩu Văn Học, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho hay, để giảm nghèo hiệu quả, chính quyền xã tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, từ đó chọn ra phương án như: Mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, tập huấn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tín chấp với ngân hàng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay; thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trong phát triển kinh tế để nhân dân học tập.
Người dân nỗ lực vươn lên, cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm sát sao nên tỷ lệ hộ nghèo của xã Phúc Sơn đã giảm mạnh trong những năm qua. Chỉ trong 2 năm 2016, 2017, toàn xã đã có 297 thoát nghèo, trong đó có 51 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện rút khỏi danh sách hộ nghèo. Điều này đang trở thành động lực để người dân thi đua phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống; là một điểm sáng cần được nhân rộng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.