Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số dưới 10.000 người
Ngày 26-9-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1672/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” (sau đây gọi tắt là Đề án 1672). Đến nay, việc thực hiện đề án đã mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng được thụ hưởng.
Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao là 4 dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người (dưới 10.000 người) sinh sống chủ yếu ở các khu vực rừng phòng hộ, đầu nguồn tại tỉnh Hà Giang và dọc theo tuyến biên giới Việt - Lào của 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Đây là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng vùng này còn thiếu và lạc hậu. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao (tỉnh Lai Châu: 73%, Điện Biên: 56,2%; Hà Giang: 51,1%). Bên cạnh đó, tập quán sinh hoạt lạc hậu còn tồn tại dai dẳng, điều kiện sống phụ thuộc vào thiên nhiên.
Đề án 1672 được triển khai thực hiện từ năm 2011-2020 tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang. Mục tiêu đặt ra là xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn và chủ quyền biên giới quốc gia.
Trên thực tế, mặc dù Đề án 1672 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến năm 2013, đề án mới được Trung ương phân bổ vốn cho các địa phương. Các địa phương đã triển khai đầu tư: 2 công trình điện, 20 đường giao thông, 1 công trình nước sinh hoạt, 3 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình thủy lợi, 2 cầu treo. Các công trình giao thông nông thôn đã giúp đồng bào đi lại thuận tiện trong 4 mùa, tăng cường kết nối giao thương với tỉnh lộ, thúc đẩy phát triển sản xuất, phát huy khả năng thế mạnh đặc thù của địa phương trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng, một phần vốn đã được đầu tư hỗ trợ điều kiện phát triển sản xuất; hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình (xóa nhà tạm; cấp gạo cứu đói, làm nhà vệ sinh, mua giống cây trồng, vật nuôi); hỗ trợ giáo dục-đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân; củng cố hệ thống chính trị, cơ sở và hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.
Theo Ủy ban Dân tộc, Đề án 1672 đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của hơn 5.400 hộ/gần 21.000 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao trên địa bàn các địa phương được thụ hưởng. Kết quả, 6 năm thực hiện đề án, nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc về cơ bản được nâng lên. Điều này được thể hiện ở một số chỉ số như: Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm xuống còn 20% (ở 2 tỉnh Hà Giang, Điện Biên); tỉ lệ bác sĩ, y sĩ sản nhi được tăng cường cho trạm y tế xã chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng đạt 100%.
Đến nay, tỉ lệ thôn bản có trường lớp học kiên cố ở vùng có người Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao sinh sống đạt gần 80%. Về cơ sở hạ tầng, hiện, đường giao thông thôn, bản được cứng hóa, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng, trong đó, tỉnh Điện Biên đạt tỉ lệ 100%, Lai Châu đạt 63,8%. Tỉ lệ thôn, bản có điện sinh hoạt đạt gần 78%, nước sinh hoạt đạt từ 60-92%. Một tín hiệu đáng mừng là hiện tại, trong vùng 4 dân tộc kể trên không còn tình trạng “trắng” đảng viên, 100% thôn bản có chi bộ Đảng; 100% cán bộ xã có trình độ trung cấp trở lên.
Ủy ban Dân tộc cho biết, nguồn vốn đầu tư của đề án đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế của vùng DTTS Mảng, Cờ Lao, La Hủ, Cống. Đó là, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và thay đổi phương thức sản xuất cũ bằng phương thức sản xuất mới dựa trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, tiến tới phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa gắn với thị trường; tăng cường giao lưu kinh tế giữa vùng DTTS rất ít người với các khu vực xung quanh.
Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc được giữ vững; niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được củng cố, góp phần ổn định an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội và giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo Ủy ban Dân tộc, việc thực hiện Đề án 1672 còn một số hạn chế nhất định. Đó là, một số nội dung, mục tiêu chưa hoàn thành như tỉ lệ đường giao thông được cứng hóa, nhà bán trú cho học sinh, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng... do vốn hỗ trợ thấp. Thực tế, nguồn lực bố trí thực hiện đề án mới đạt 40,1%. Trong khi đó, các dân tộc trên chưa đủ lực vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các nội dung đề án, theo Ủy ban Dân tộc, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang cần chủ động cân đối ngân sách địa phương, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho đề án.