Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo: Thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền
Sau 5 năm thực hiện, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Trong giai đoạn tiếp theo, để Chương trình thực sự là “cú hích” phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, cần có những sửa đổi, bổ sung, nhất là về mặt cơ chế, chính sách.
Nhiều kết quả tích cực
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015. Chương trình được triển khai trên địa bàn 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Qua 5 năm triển khai, Chương trình đã đem lại những kết quả tích cực.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết Chương trình được tổ chức chiều 11/8/2020 cho thấy, Chương trình đã kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Ngoài ra, thông qua những hội nghị, hội thảo được tổ chức đã hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững. Từ đó, nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đăk Lăk, cá hồi Sa Pa, rượu sim Phú Quốc… đã “mở được đường” vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài (Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Đức…).
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, Chương trình đã nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống chính sách, cơ chế thương mại đặc thù với một số huyện đảo, xã đảo. Đáng chú ý, Chương trình đã xây dựng được cơ sở dữ liệu sản phẩm - ngành hàng có lợi thế tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và 35 bộ cẩm nang hồ sơ các mặt hàng có lợi thế cho 35 tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo…
“Gia cố” những điểm yếu
Những thành tựu này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Nhưng để đạt được mục tiêu tổng quát là góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình cần được “gia cố” thêm bằng những cơ chế, chính sách phù hợp.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù đã đạt mục tiêu phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền, tuy nhiên, các mặt hàng tiềm năng chỉ mới đạt ở mức sản xuất nhỏ lẻ, đơn thuần, thiếu tập trung, chưa đủ lớn để thu hút đầu tư phát triển; cơ cấu hàng hóa bất cập, thiếu bền vững, chủ yếu là thô sơ, không có giá trị cao.
Đặc biệt, hạn chế lớn nhất trong việc triển khai Chương trình là nguồn kinh phí thực hiện còn rất thấp. Theo dự toán thì trong 5 năm, Chương trình sẽ được bố trí khoảng 466 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là hơn 149 tỷ đồng, ngân sách địa phương là gần 37,3 tỷ đồng, còn lại huy động các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, đến nay ngân sách Trung ương mới bố trí cho Chương trình được 15% vốn dự toán; ngân sách các địa phương chưa bố trí nguồn riêng mà chỉ thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án có liên quan.
Việc tiếp tục triển khai Chương trình trong giai đoạn tới là rất cần thiết. Nhưng để thực sự hiệu quả thì Chính phủ cần bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương hằng năm để thực hiện. Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này.
(baodantoc.vn)