Với sự tập trung đầu tư cho vùng trồng nguyên liệu thuốc lá, Vinataba đã xây dựng được các vùng nguyên liệu trong nước khá ổn định với năng suất chất lượng ngày càng được cải thiện như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Gia Lai, Tây Ninh, Ninh Thuận... Sản lượng thu mua hằng năm của Tổng công ty trung bình từ 20.000 - 25.000 tấn/năm, về cơ bản bảo đảm nhu cầu nguyên liệu nội địa cho các đơn vị sản xuất thuốc điếu và phục vụ xuất khẩu.
Ðặc thù của ngành, hằng năm phải nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu phục vụ công tác phối chế. Cùng với việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, Vinataba đã xây dựng tiêu chuẩn, định mức dự trữ về nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tỷ lệ sử dụng nguyên liệu qua chế biến. Qua nhiều năm phấn đấu, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu của tổng công ty hiện nay đạt hơn 60%, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu thuốc lá qua chế biến đạt 55%. Dự trữ nguyên liệu thuốc lá tồn kho tại các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu bảo đảm ổn định cho nhu cầu sản xuất. Với các biện pháp hiệu quả thực hiện trong các năm qua, tổng công ty đã chủ động được nguồn nguyên liệu và giảm các tác động ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, Vinataba có năm đơn vị tham gia đầu tư trồng - thu mua nguyên liệu thuốc lá vàng sấy, thuốc lá Burley và thuốc lá nâu địa phương, là: Công ty cổ phần Ngân Sơn và Viện Kinh tế kỹ thuật (KTKT) thuốc lá, trực tiếp đầu tư tại các vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thái Nguyên..., Công ty cổ phần Hòa Việt, Công ty thuốc lá Ðà Nẵng, Bến Tre và Phân viện KTKT thuốc lá, trực tiếp đầu tư tại các vùng Tây Ninh, Gia Lai, Ðác Lắc, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ðồng Nai, Quảng Nam, Ðà Nẵng và một số vùng thuộc các tỉnh miền Tây Nam Bộ... Có ba đơn vị tham gia chế biến nguyên liệu thuốc lá, là các Công ty Ngân Sơn, Hòa Việt, Thuốc lá Ðà Nẵng có năng lực chế biến hơn 42.000 tấn/năm.
Từ nhiều năm nay, nhất là sau khi có Quyết định 80/2002/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng", Vinataba chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân trồng cây thuốc lá thông qua việc ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với giá cả thu mua được công bố ngay từ đầu vụ.
Thông qua việc cung cấp trước cho nông dân hạt giống, cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, than sấy... và ứng trước vốn không tính lãi để sửa chữa hoặc xây mới lò sấy, mua máy bơm nước và các trang thiết bị khác phục vụ vùng trồng..., đến vụ thu hoạch, các đơn vị đầu tư vùng trồng sẽ thu hồi vốn bằng việc thu mua sản phẩm. Các đơn vị này đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn, năng động để hướng dẫn bà con nông dân thực hiện đúng quy trình gieo trồng, hái sấy, bảo quản, thu mua và từng bước chuyển giao công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sản xuất của các nhà máy. Từ năm 2009, Vinataba triển khai Ðề án dạy nghề cho nông dân của Chính phủ, giúp bà con nâng cao kỹ thuật để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Ðặc biệt, tổng công ty hỗ trợ một phần cho nông dân trong trường hợp xảy ra thiệt hại bất khả kháng do thiên tai, lũ lụt, hạn hán và sâu bệnh hại trong mùa vụ; hỗ trợ, đầu tư cho một số địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho vùng trồng nguyên liệu như xây dựng, sửa chữa đường sá, cầu cống, hệ thống thủy lợi...
Với các mô hình đầu tư linh hoạt và biện pháp quản lý đúng đắn, các vùng nguyên liệu của Vinataba đã từng bước phát triển, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và mang lại hiệu quả. Ðến nay, có thể nói Vinataba là đơn vị chủ lực thực hiện công tác xây dựng phát triển vùng nguyên liệu ổn định. Với diện tích trồng cây nguyên liệu thuốc lá khoảng 30.000 ha/năm, hằng năm đã giải quyết việc làm cho khoảng 200.000-300.000 lao động, chưa kể các công việc phụ trợ dịch vụ kèm theo như thu mua, sơ chế, phân cấp... Nhiều vùng, nhờ trồng cây nguyên liệu này mà nông dân đã thoát nghèo và xây được nhà ngói, sắm ti-vi, tủ lạnh... như Ninh Thuận, Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai...
Việc phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá của tổng công ty trong nhiều năm qua đã góp phần tích cực vào Chương trình xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững của Chính phủ, tạo mối liên minh công nông chặt chẽ, thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới.
Tuy nhiên, việc trồng cây nguyên liệu tại một số vùng còn ở quy mô nhỏ, phân tán, tập quán canh tác và tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc chuyển giao kỹ thuật trồng thuốc lá cho nông dân gặp nhiều khó khăn. Hầu hết tại các vùng nguyên liệu, khi giá nguyên liệu tăng, xảy ra tình trạng tư thương và một số doanh nghiệp không tham gia đầu tư phát triển vùng trồng cây thuốc lá nhưng lại vào tranh mua sản phẩm, gây khó khăn cho đơn vị đầu tư trong việc thu hồi vốn đầu tư ứng trước.
Tổng công ty đã kiến nghị Chính phủ một số giải pháp nhằm góp phần thực hiện công tác xây dựng phát triển vùng nguyên liệu, thực hiện các chủ trương lớn của Ðảng về phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sự liên kết "bốn nhà".