Phú Bình: Quan tâm nâng cao đời sống đồng bào

Với gần 3,1 nghìn hộ, với 12,5 nghìn nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Phú Bình hiện chiếm 8,5% dân số toàn huyện. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm, đầu tư phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường...

Trong số các DTTS của huyện, người Nùng chiếm tỷ trọng nhiều nhất, với 4,06%; tiếp đến là người Sán Dìu chiếm 2,53%, người Tày chiếm 1,8%, còn lại là các dân tộc khác, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Thành, Bàn Đạt, Tân Hòa, Tân Kim và Tân Khánh. Những năm qua, công tác dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 ngày 19-7-2012 của HĐND tỉnh và Quyết định số 1985 ngày 4-9-2012 của UBND tỉnh về chương trình công tác dân tộc tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2015 đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua Chương trình 135, trong 4 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc và miền núi của huyện trên 8,3 tỷ đồng, trong đó, huyện tập trung nhiều cho việc đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ mua máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất và xây dựng các công trình nước sinh hoạt.

Cùng với đó, các chính sách như: cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ muối I-ốt phòng chống bướu cổ; hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng ở những nơi chưa có điện lưới Quốc gia; cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập; hỗ trợ về nhà ở, giải quyết việc làm... cho hộ đồng bào DTTS, hộ chính sách, hộ nghèo cũng được huyện triển khai thực hiện có hiệu quả, với tổng giá trị lên tới vài chục tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn đầu tư của Ngân sách nhà nước, sự giúp đỡ của các tổ chức và công sức đóng góp của người dân, đến nay, kết cấu hạ tầng đường giao thông đến trung tâm các xã, trường lớp học, trạm y tế, hệ thống điện, kênh mương nội đồng, hồ đập chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp... của các xã nói chung, các xã có đông đồng bào DTTS nói riêng cơ bản đã được đầu tư xây dựng... Tất cả đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn của các xã, giúp khoảng cách giữa các xã miền núi với các xã, thị trấn khác trong huyện dần được thu hẹp. Cũng bởi thế, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm nhanh qua các năm, từ 24,83% (năm 2011) xuống còn 13,04% (hiện nay).

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã ghi nhận sự nỗ lực vươn nên của nhiều hộ gia đình DTTS trở thành gương điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; nhiều hộ đã tự nguyện hiến hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn m2 đất để thực hiện các dự án; không ít cá nhân cũng đã rất tích cực trong việc tham gia đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; nhiều cá nhân đã và đang được tín nhiệm giữ các chức vụ quan trọng ở các cấp, ngành, đoàn thể. Hiện, trong tổng số 3.026 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và xã có 241 người (chiếm tỷ lệ 8%) là người DTTS...

Để hiểu rõ hơn về sự thay đổi ở những xã, xóm có đông đồng bào dân DTTS, chúng tôi đã đến với Bàn Đạt - xã có gần 6,6 nghìn nhân khẩu, trong đó chiếm tới 49% là đồng bào dân tộc Sán Dìu, tập trung chủ yếu ở 4 xóm: Đá Bạc, Bờ Tấc, Đồng Quan, Cầu Mành. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Hạ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà xã chú trọng, ưu tiên thực hiện trong lãnh đạo, chỉ đạo đó là giúp người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng phát triển kinh tế. Theo đó, hàng năm, xã đều phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và một số công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động bà còn đưa các giống chè, giống lúa lai, keo lai cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tập trung mọi nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn như xây dựng kênh mương, nạo vét, nâng cấp hồ đập, xây dựng và sửa chữa đường giao thông... Đến nay, toàn xã đã trồng được 60ha chè, riêng năm 2014 trồng được 20ha chè cành; diện tích lúa lai đã chiếm 1/3 tổng diện tích gieo cấy của toàn xã; trung bình mỗi năm trồng mới trên 20ha rừng, riêng năm 2014, trồng được 37ha; tỷ lệ hộ nghèo giảm được từ 3%/năm trở lên...

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác dân tộc của huyện trong thời gian qua, đó là: Vệc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con chưa đồng bộ, chủ động, sáng tạo nên hiệu quả đạt được không cao; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với mặt bằng chung của huyện; chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học chưa đồng đều, tỷ lệ học sinh khá, giỏi người DTTS còn thấp; kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, đặc biệt là đường giao thông, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học tại các xóm miền núi, xóm đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Trước thực trạng này, huyện đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể, phấn đấu thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2019 là: giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 và những năm tiếp theo xuống còn dưới 11%; đến năm 2019, người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động qua bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo đạt trên 50%; 100% các xã, xóm có trường học kiên cố; 100% trẻ em người DTTS trong độ tuổi được đến trường; 100% các xã đạt tiêu chí nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS. Trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống cơ quan hành chính, phải đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý về cán bộ DTTS, ở vị trí chủ chốt có cán bộ là người DTTS...

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành