Phum, sóc đổi thay nhờ Chương trình 135

Chương trình 135 triển khai tại tỉnh An Giang những năm qua đã từng bước góp phần nâng cao đời sống của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh nói riêng. Diện mạo phum, sóc nơi đây ngày càng được khởi sắc.

Người dân Khmer vùng Bảy Núi sử dụng máy tách vỏ đậu xanh.

 

Vùng Bảy Núi thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, cuộc sống đang đổi thay nhanh chóng. Bà Néang Sa Mone, 54 tuổi, ngụ ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn chia sẻ, từ lúc du lịch huyện phát triển, các đường lộ nông thôn được sửa chữa nâng cấp giúp giao thông đi lại thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, gia đình bà được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng điểm dừng chân chuyên cung ứng sản phẩm đường thốt nốt và các món ăn đặc sản nổi tiếng của đồng bào dân tộc Khmer như bánh kà tum, bánh bò thốt nốt, cốm dẹp... Tất cả đều được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên, đã tạo được uy tín cho nên du khách gần xa ưa chuộng tìm đến mua sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con địa phương.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly cho biết, 5 năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 135, tỉnh đã xây dựng, duy tu bảo dưỡng nhiều công trình; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất như trồng nấm rơm trong nhà, nuôi lươn, nuôi bò, kỹ thuật trồng rau màu an toàn... Trong đó, hỗ trợ trực tiếp 116.448 người thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn với số tiền hơn 10 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở cho 894 hộ với kinh phí hơn 29 tỷ đồng; thực hiện đầu tư nước sinh hoạt phân tán cho các hộ gia đình nghèo để tạo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, với tổng số hộ được hỗ trợ là 774 hộ, kinh phí một tỷ đồng. Năm 2017, thực hiện Quyết định số 2085/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, đã có 6.736 hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề với tổng kinh phí thực hiện gần 120 tỷ đồng. Chương trình cho vay tín dụng hộ DTTS nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay vốn 162 tỷ đồng, với 11.278 người, chiếm tỷ lệ 41,85% trên tổng số hộ đồng bào DTTS và chiếm 5,27% trong tổng dư nợ tại ngân hàng.

Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện, xã, thôn, đến nay đã có từ 80% đến 90% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa; 80% số thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa; từ 60% đến 70% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, từ 80% đến 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 75% số hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm. Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng từ 20% đến 25%/năm; bình quân mỗi năm có ít nhất 15% số hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo…

Ông Châu Kok, nông dân ở Núi Tô, huyện Tri Tôn cho biết, trước đây gia đình ông có 2 ha đất chỉ trồng lúa, lợi nhuận không cao cho nên ông quyết định chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây ăn quả, hoa màu và nuôi thêm gà thả vườn. Ðược sự hỗ trợ kỹ thuật và đồng vốn từ địa phương, ông mạnh dạn trồng cây xen kẽ như cây dừa, xoài, hoa màu ngắn ngày. Hằng năm, trừ các chi phí, ông Châu Kok thu lợi hơn 180 triệu đồng, kinh tế gia đình dần được cải thiện hơn.

Huyện An Phú và thị xã Tân Châu là những địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống cũng đã có nhiều đổi thay. Nhiều hộ dân ở làng Chăm, xã Ða Phước, huyện An Phú được hỗ trợ vốn, kỹ thuật đã mạnh dạn tham gia du lịch cộng đồng. Nếu trước đây, các sản phẩm truyền thống của người Chăm chỉ phục vụ cộng đồng thì nay các sản phẩm dệt như thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công trở thành sản phẩm được du khách ưa chuộng. Các đoàn khách trong và ngoài nước khi đến xã Ða Phước có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm cách dệt thổ cẩm của người Chăm, tự tay chọn mua các sản phẩm ưng ý về làm quà.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh phấn đấu đến năm 2024, giảm 15% số xã đặc biệt khó khăn, giảm 30% số hộ nghèo DTTS hiện nay. Theo đó, cụ thể, tất cả các xã vùng DTTS và miền núi có đủ hạ tầng thiết yếu như đường ô-tô cứng hóa đến trung tâm xã, trường học các cấp được kiên cố hóa; tất cả các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, tất cả các hộ DTTS có thẻ bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản của người dân; tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi đến trường đạt từ 85% trở lên. Ngoài ra, tỉnh An Giang tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS thông qua các chương trình, dự án đầu tư, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc trong cộng đồng. Tập trung dồn sức xóa dứt điểm từng hộ nghèo DTTS, tăng nguồn vốn đầu tư cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; đề xuất với Trung ương có chủ trương đầu tư mạnh hơn, triển khai kịp thời các chính sách, nhất là đất ở, dạy nghề, việc làm; hỗ trợ đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống, công trình thủy lợi vùng cao, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo tại địa bàn.

 

(nhandan.com.vn)

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành