Pờ Ly Ngài đa dạng các mô hình kinh tế
Pờ Ly Ngài là xã vùng sâu, thuộc diện khó khăn của huyện Hoàng Su Phì. Do địa hình chia cắt, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã tích cực vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng các mô hình sản xuất. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, những năm qua, xã Pờ Ly Ngài tập trung trồng lúa, chăn nuôi trâu, bò, dê và trồng Thảo quả. Kinh tế có bước phát triển, nhưng người dân vẫn sản xuất theo tập quán canh tác cũ, quy mô nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, dẫn đến giá trị kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi còn thấp. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lấy chăn nuôi làm mũi nhọn và từng bước hướng tới sản xuất tập trung, hàng hóa, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ năm 2016 đến nay, xã đã thành lập được 10 Nhóm cùng sở thích; trong đó, có 8 nhóm tập trung phát triển chăn nuôi bò, dê, lợn, gà; 1 nhóm trồng rau và 1 nhóm trồng Thảo quả. Anh Vàng Văn Thàng, Trưởng nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thôn Na Vang, cho biết: “Nhóm được thành lập từ năm 2016, hiện có 15 thành viên. Trước đây, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ nuôi 1 – 2 con để lấy sức cày kéo, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau khi thành lập nhóm, các thành viên mạnh dạn vay vốn, đầu tư làm chuồng trại, trồng cỏ và mua thêm bò về nuôi. Hộ ít nhất cũng nuôi 3 con, hộ nhiều tới 11 con. Hiện, tổng đàn bò của nhóm có hơn 60 con. Nhiều hộ đã chuyển đổi phương thức từ nuôi sinh sản sang nuôi bò vỗ béo, trung bình 4 – 6 tháng xuất bán bò thịt, đem lại nguồn thu nhập cao hơn trước đây”.
Hiện, tổng đàn trâu, bò của xã Pờ Ly Ngài có trên 1.100 con. Xã đang khuyến khích người dân vay vốn theo các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc. Thực hiện Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh, xã phối hợp với Tổ thẩm định của huyện, các ngành, đoàn thể tổ chức thẩm định và có 11 hộ được vay vốn với số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng, đảm bảo đàn gia súc luôn phát triển ổn định.
Cùng với chăn nuôi, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những hộ có diện tích đất màu mỡ chuyển sang trồng rau thâm canh, nâng cao giá trị kinh tế. Hiện, xã thành lập được 1 Nhóm cùng sở thích trồng rau với 11 thành viên, diện tích trồng rau từ 500 – 1.000 m2. Anh Lèng Văn Diu, thành viên Nhóm cùng sở thích trồng rau thôn Cốc Mưi, cho biết: “Gia đình trồng rau trên diện tích đất ruộng 500 m2. Trước đây, diện tích này chỉ cấy lúa 1 vụ, còn lại bỏ hoang vì thiếu nước. Được sự tuyên truyền của lãnh đạo xã, gia đình đã chuyển sang trồng rau; mùa nào thức nấy, đem ra bán ở chợ huyện và chợ phiên của xã cũng có nguồn thu khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng. So với trồng lúa 1 vụ, trồng rau cho thu nhập cao hơn, lại có rau xanh quanh năm”.
Ngoài ra, đậu tương cũng là cây trồng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Pờ Ly Ngài. Vụ Hè – thu năm 2018, toàn xã gieo trồng được 95 ha, năng suất đạt 15,5 tạ/ha, sản lượng đạt 147 tấn. Chính quyền xã tập trung hướng dẫn người dân mở rộng diện tích, đưa giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, hướng tới phát triển thành vùng đậu tương hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị cây trồng.
Với việc đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng tới tập trung thành hàng hóa, đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân Pờ Ly Ngài.
Báo Hà Giang