Quảng Bình: Nhân tố mới vùng đồng bào dân tộc

Báo cáo tổng kết phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” trong đồng bào dân tộc thiểu số do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình tổ chức mới đây cho biết toàn tỉnh có 40 cá nhân được vinh danh.

Sự ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền các cấp về những cống hiến của đồng bào trở thành nguồn động lực vô cùng to lớn giúp họ thêm vững tin hơn cùng với cộng đồng, bản làng mình tiếp tục kiên định trên con đường thoát nghèo. Họ trở thành những thủ lĩnh, những đóa hoa thơm giữa ngàn hoa ngát hương ở vùng biên viễn xa xôi của Tổ quốc.

Theo báo cáo, 700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có mô hình phát triển kinh tế bền vững, 500 hộ thu nhập trên 30 triệu đồng/năm, gần 200 hộ thu nhập trên 70 triệu đồng/năm... Đây chính là kết quả trong công tác định hướng và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong công tác dân tộc. Là chặng đường để rút ngắn khoảng cách với miền xuôi.

Những điển hình tiên tiến trong phong trào “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” ở các bản làng mà tôi từng gặp gỡ, đó là: Hồ Soa, Hồ Văn Thương, Hồ Thao xã Trường Xuân (Quảng Ninh); Đinh Hợp, Y Quyết xã Thượng Trạch (Bố Trạch); Cao Tiến Thuỳnh xã Thượng Hóa; Hồ Thị Thanh xã Trọng Hóa; Cao Quý Nhèng xã Dân Hóa (Minh Hóa); Hồ Văn Pan, Hồ A Lai xã Kim Thủy, Hồ Văn Bôn xã Ngân Thủy (Lệ Thủy)...

Dọc một dãy đại ngàn Trường Sơn từ Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch đến Minh Hóa, ra Tuyên Hóa những cộng đồng dân cư gắn kết, thực hiện tốt công tác định canh, định cư, tạo nên những bản văn hóa tiêu biểu: Khe Khế, Cây Bông, Cồn Cùng (Kim Thủy); Tân Ly, Xà Khía (Lâm Thủy); Cửa Mẹc, Khe Giữa (Ngân Thủy); Khe Dây, Lâm Ninh (Trường Xuân); Khe Cát, Trung Sơn, Sắt (Trường Sơn); Cà Xen (Thanh Hóa); Y Leng, La Trọng, Bãi Dinh (Dân Hóa)...


Ngôi nhà sàn khang trang của gia đình Hồ Văn Bôn

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Bình giảm từ 69% năm 2011 xuống còn 51% năm 2014. Nếu so với tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 13,5% thì tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn quá cao. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội của đồng bào thì đây là thành quả hết sức to lớn, sự nỗ lực không mệt mỏi từ các cấp ủy đảng, chính quyền và chính tự bản thân tự lực vươn lên của đồng bào.

Bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, già làng Hồ Vừng cùng bà mế Hồ Thị Tạ nhớ lại ngày đầu tiên cắt rừng về chọn vùng đất nằm phía bắc sông Long Đại này lập bản. Lúc đó chỉ có 7 người, đói khổ không chịu thấu. Bảy người động viên nhau “đất lành chim đậu” để 38 năm sau, bản Lâm Ninh trở thành một bản nông thôn kiểu mẫu của đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Trường Xuân và cả huyện Quảng Ninh. “Công đầu thuộc về Hồ Thao”- Hồ Vừng khẳng định.


Vợ chồng ông bà Hồ Vừng, Hồ Thị Tạ, những người đầu tiên lập bản Lâm Ninh

Ba mươi tám năm sau ngày già làng bản Lâm Ninh Hồ Thao cùng bà con thân tộc chọn thung lũng bên dòng Long Đại lập bản, mỗi lần nhớ lại quá khứ, ông không khỏi tự hào: “Đói cơm, rách áo, bệnh tật... đồng bào nhiều người muốn bỏ bản mà đi theo lối du canh, du cư.

Biết cái bụng bà con chưa yên, mình động viên dân bản, nói như đinh đóng cột: “Muốn có cơm ăn, cái áo đẹp mặc, dân bản tự lao động thôi! Trước hết, trồng rừng, đắp đập làm lúa nước, rào vườn lại chăn nuôi. Nuôi lấy con gà, con vịt, con lợn, sau đến con trâu, bò”. Hồ Thao nói, Hồ Thao làm, trồng và nhận chăm sóc đến mấy chục ha rừng. Đàn bò Hồ Thao đỏ trên sườn núi. Trong vườn ông trồng thêm các loại cây ăn quả, cây trầm hương. Ngôi nhà Hồ Thao xây kiên cố lợp ngói đỏ tươi nằm bên dòng Đại Giang to nhất bản là niềm tự hào của người Vân Kiều Lâm Ninh.

Bây giờ bản Lâm Ninh có 44 hộ, 149 khẩu, qua 38 năm bản có những bước phát triển vượt bậc. Điện, đường, trường, trạm và các thiết chế về văn hóa- xã hội; đời sống dân sinh... khá đồng bộ. Các chương trình 135, 134, xóa mái tranh cho hộ nghèo, giúp dân cải tạo nhà ở, phát triển kinh tế... làm đổi thay nhanh chóng cả một vùng đất xưa nghèo nàn, lạc hậu. Diện tích lúa nước mở rộng, từ chỗ một vụ nay duy trì hai vụ với trên 10 ha. Nhiều năm liên tục bản Lâm Ninh được mùa.

Con đường quanh co phía đầu nguồn hồ thủy lợi Rào Đá dẫn chúng tôi vào bản Còi Đá (xã Ngân Thủy). Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy Nguyễn Thoan cho biết: “Cuối năm nay, bà con bản Còi Đá sẽ được dùng điện sáng, đây cũng là một sự nỗ lực lớn của các ngành nhằm giúp Còi Đá thêm điều kiện thuận lợi vươn lên xóa đói giảm nghèo”. Bản Còi Đá có 30 hộ dân, ở đây đồng bào làm quen với lúa nước từ lâu, trên diện tích canh tác hai vụ khoảng 8 ha.

Cựu chiến binh Hồ Văn Bôn là già làng bản Còi Đá. Trong ngôi nhà ấm cúng, phía bàn thờ ảnh Bác Hồ treo trang trọng ông kể về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của gia đình: “Học theo Bác là phấn đấu lao động để có cơm ăn, áo mặc, con cái học hành đàng hoàng”. Đời sống gia đình ông rất vững, giàu nhất bản Còi Đá khi sở hữu 12 con trâu, 11 con bò, 1 mẫu ruộng lúa nước, 200 gốc tiêu, 100 gốc huê cùng các loại cây ăn quả khác.

“Điện sắp về bản. Đường vào bản đã mở, nước sạch đã có, trường học cho trẻ xây dựng khang trang, thầy cô dưới xuôi lên cắm bản... Quyết tâm, cố gắng chung tay xây dựng Còi Đá thành một bản kiểu mẫu ở xã Ngân Thủy”, ông Hồ Văn Bôn vui vẻ kể!


 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành