Sản xuất gạch ở Sông Phan

Những công ty sản xuất gạch tuynel lần lượt ra đời làm cho vùng đất vốn khô cằn, im ắng của xã Sông Phan - huyện Hàm Tân trở nên nhộn nhịp hơn. Tuy không góp tăng cho nguồn ngân sách Sông Phan nhưng những dự án ấy đã giải quyết một lượng lớn lao động cho địa phương.

Cùng với xã Tân Lập (Hàm Thuận Nam), xã Sông Phan là một trong những địa điểm lý tưởng để các nhà đầu tư sản xuất gạch tìm đến vì có nhiều mỏ sét. Thời điểm này đã vào cuối mùa khô, do đó nhiều công ty sản xuất gạch ở địa phương khá khẩn trương và các công nhân làm việc tập trung cao độ. Ngoài quốc lộ, có khá nhiều xe tải chở gạch ngược xuôi tạo nên sự sầm uất, náo nhiệt quanh vùng đất vốn yên tĩnh này. Hiện nay, xã Sông Phan có 19 cơ sở làm gạch thủ công, 4/5 công ty sản xuất gạch tuynel đang hoạt động và một công ty đang trong quá trình xây dựng. Theo Quyết định 15 của Bộ Xây dựng và Chỉ thị 47 của UBND tỉnh, đến năm 2010 xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công, chuyển sang sản xuất gạch ngói bằng lò gạch tuynel. Ngoài công suất thấp, chất lượng gạch và gây ô nhiễm môi trường ở các lò thủ công là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định chuyển đổi công nghệ. Thế nhưng do vốn đầu tư cho lò tuynel quá lớn, giá thành của gạch tuynel cũng cao nên dân làm gạch không đủ khả năng chuyển đổi công nghệ. Sau nhiều lần thử nghiệm, công nghệ sản xuất gạch bằng lò hoffman đã đáp ứng được nhu cầu thị trường, kể cả những tiêu chí của địa phương và ngành xây dựng. Do đó, 5/19 cơ sở sản xuất gạch thủ công ở xã Sông Phan đang chuyển sang công nghệ hoffman trong đó 2 cơ sở đang đầu tư máy móc thiết bị đưa vào sản xuất, còn lại các cơ sở đang chuẩn bị mặt bằng xin thủ tục giấy tờ.

Trong khi các cơ sở sản xuất thủ công chỉ hoạt động với công suất 3,5 triệu viên/năm/cơ sở thì 2 công ty lớn nhất tại xã là Tân Quang Cường và Phú Đạt hoạt động với công suất cao gấp 10 lần. Anh Nguyễn Hồng Dương – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tân Quang Cường (thôn An Bình, xã Sông Phan) cho biết: “Công ty được thành lập từ năm 2008, đến đầu 2009 mới đưa vào sản xuất nhưng không may gặp cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên các dự án lớn bị ngưng trệ dẫn đến thị trường gạch cũng ế ẩm theo. Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, đầu năm 2010 thị trường đang có dấu hiệu hồi phục nên chúng tôi đã ký được nhiều đơn đặt hàng. Công suất tối đa của công ty là 60 triệu viên/ năm, nhưng hiện nay chúng tôi chỉ sản xuất 35 triệu viên/năm và đang tìm kiếm thêm thị trường ngoài những thị trường chính của công ty là các tỉnh miền Trung, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh. Công ty đi vào hoạt động đã giải quyết hơn 130 lao động địa phương, với lương trung bình từ 2,2 – 2,5 triệu đồng/tháng”.

Ông Trần Phú Loan – Phó Chủ tịch UBND xã Sông Phan nói: “Các công ty sản xuất gạch tuynel đi vào hoạt động đã tạo nên một diện mạo mới và tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển hơn. Dù các công ty nộp vào ngân sách tỉnh nhưng sự ra đời của nhiều công ty trên địa bàn xã đã thúc đẩy cơ cấu công nghiệp tăng, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, đời sống của bà con ngày một nâng cao. Đặc biệt, mỗi cơ sở thu hút từ 100 đến 150 công nhân trong và ngoài huyện, trong đó đa số là lao động địa phương. Sắp tới, địa phương còn tiếp nhận thêm 1 dự án chế biến sâu titan với số vốn đầu tư là 280 tỷ đồng”.

Theo Báo Bình Thuận

[TT: N.T.P]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành