Si Ma Cai: Đột phá trong sản xuất nông nghiệp nhờ chương trình 30a
Đối với huyện vùng cao Si Ma Cai, sản xuất nông nghiệp vẫn là mũi nhọn và xương sống của nền kinh tế. Đã có những bước tiến đáng kể từ khi tái lập huyện (năm 2001) tới nay nhưng Si Ma Cai chưa có cú hích đáng kể do thiếu nguồn lực cơ bản. Chương trình 30a của Chính phủ giúp đỡ những huyện nghèo của cả nước đã giúp cho huyện thêm luồng sức mạnh mới đủ để tạo bứt phá trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Bứt phá đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phải kể đến cây ngô. Hiện trên địa bàn có 3.300 ha ngô, trong đó diện tích ngô hai vụ chiếm tỷ lệ khá thấp với 150 ha. Hàng năm bà con Si Ma Cai sản xuất được 9.200 tấn ngô, chiếm 66,7% tỷ lệ sản lượng cây lương thực có hạt trong toàn huyện. Cây lương thực đang chiếm vị trí cốt lõi và cơ cấu đặc biệt trong tỷ trọng toàn ngành nông nghiệp và cây ngô đang đứng ngôi vị số I trong nhóm cây lương thực có hạt của Si Ma Cai. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua cây ngô vẫn ì ạch về năng suất và sản lượng mà nguyên nhân chính là cơ cấu giống. Năm 2005 toàn huyện đưa 750 ha ngô kỹ thuật (ngô giống mới) vào sản xuất trong tổng số 3.100 ha diện tích trong toàn huyện. Liên tục các năm sau đó diện tích ngô giống mới chỉ khiêm tốn dưới 1.000 ha. Trong khi đó ngô giống mới có năng suất trung bình 30 tạ/ha, giống ngô địa phương chỉ đạt 20 tạ/ha cùng thời điểm năm 2005. Theo ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thì điều khiến bà con chưa thể phổ biến diện tích ngô kỹ thuật chủ yếu là do ngô giống mới có giá cao hơn ngô địa phương nhiều lần. Bên cạnh đó, ngô giống mới là hạt lai nên không để được giống, việc bảo quản sản phẩm cũng khó hơn. Cũng vì lẽ đó mà sau 4 năm, năm 2009, Si Ma Cai cũng chỉ khiêm tốn đề ra chỉ tiêu đưa giống ngô kỹ thuật lên con số 1.000 ha trong tổng số 3.400 ha cây ngô của toàn huyện.
Xác định rõ tầm quan trọng của cây ngô giống mới, huyện Si Ma Cai đã chủ động đề xuất sử dụng nguồn vốn 30a hỗ trợ giống ngô cho bà con trên địa bàn. Theo đó, người dân được hỗ trợ toàn bộ giống ngô và phân bón, số lượng cũng không bị hạn chế. Đúng như mong đợi của người dân, tính đến thời điểm đầu tháng 12/2009 bà con 13/13 xã của Si Ma Cai đã đăng ký 33 tấn ngô giống, tương đương với 1.700 ha diện tích trong vụ chính năm 2010. Điều chắc chắn là con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới bởi thời gian bước vào vụ chính năm 2010 còn khoảng 3 tháng nữa. Điều đáng quan tâm trong lúc này là công tác hướng dẫn, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, khả năng áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây ngô giống mới đạt năng suất tối đa trong điều kiện tự nhiên tại Si Ma Cai. Năm 2009, năng suất cây ngô địa phương đạt 23,8 tạ/ha, cây ngô đạt 30 tạ/ha, trong khi Phòng Nông nghiệp huyện trồng khảo nghiệm và trình diễn tại xã Si Ma Cai cho năng suất đạt tới 50 tạ/ha.
Cây trồng tiếp theo có tính bứt phá nhờ Chương trình 30a tại Si Ma Cai cần được nói tới là cây thuốc lá. Cây thuốc lá xuất hiện trên đồng đất Si Ma Cai đã gần 10 năm nhưng đến năm 2007 (trước khi bà con dừng hẳn việc trồng cây này trong năm 2008) cây thuốc lá vẫn chỉ có diện tích trên 30 ha. Có nhiều nguyên nhân song cơ bản vẫn do cây thuốc lá chưa thực sự mang lại hiệu quả cho người sản xuất. Trên thực tế, cây thuốc lá tại Si Ma Cai đạt năng suất trung bình khoảng 1,3 đến 1,5 tấn/ha (lá đã qua sơ chế), theo thoả thuận về giá năm 2009 giữa người dân và doanh nghiệp nhận đầu ra sản phẩm thì giá trị 1 ha thuốc lá đạt từ 30-40 triệu đồng/vụ, cao hơn các cây trồng khác từ 3-6 lần. Người trồng thuốc lá lại được hỗ trợ về giống, phân bón và xây dựng lò sấy. Năm 2008 doanh nghiệp duy trì mức thu mua chỉ từ 10 - 20 nghìn đồng/kg lá sấy khô. Sau khi thu hoạch hàng tuần, sản phẩm xuống mã mới được đại diện doanh nghiệp tới thống kê nên cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân, chưa kể đến việc trả tiền chậm càng khiến người dân bớt đi sự hồ hởi. Trong khi đó các chi phí sản xuất lên cao nên người dân bỏ hẳn việc trồng cây thuốc lá
Giữa lúc khó khăn như vậy thì năm 2009 Nhà nước có Chương trình 30a và cây thuốc lá được chọn là một trong những đối tượng cây trồng nhận được sự hỗ trợ. Ngay trong năm đầu tiên tái khởi động bà con Si Ma Cai đã trồng tới 43 ha cây thuốc lá. Và cũng trong năm 2009 này thuốc lá tại Si Ma Cai đã được mùa với năng suất vụ xuân đạt 1,4 tấn/ha và vụ mùa đạt 1,5 tấn/ha. Có tới 40% sản lượng đạt loại I và 40% đạt loại II, cùng với đó giá thành cũng được doanh nghiệp mới là Công ty phát triển Hồng Lợi (thành phố Lào Cai) đồng ý nâng lên 32 nghìn đồng/kg loại I và loại thấp nhất cũng gấp đôi so với trước đây (20 nghìn đồng). Tính trung bà con thu về từ mỗi vụ thuốc lá năm 2009 là 35 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là nhờ Chương trình 30a hỗ trợ về xây dựng lò, hỗ trợ nguyên liệu sấy, phân bón nên bà con Si Ma Cai đã hồ hởi đăng ký tham gia trồng cây thuốc lá. Tính đến đầu tháng 12/2009 bà con đã đăng ký trồng tới 138 ha cây thuốc lá vào vụ xuân năm 2010, tăng gần 5 lần so với 2007 và 3 lần so với năm 2009 và con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Sau nhiều năm vẫn chỉ có xã Bản Mế, Sín Chéng và Thào Chư Phìn trồng cây thuốc lá thì đến vụ xuân tới đây đã có thêm xã Nàn Sán và Mản Thẩn mạnh dạn đăng ký trồng cây thuốc lá. Một trong những đột phá đáng kể tới nữa là thay vì chỉ có trồng thuốc lá trên đồi, trên nương thì tới đây bà con Si Ma Cai sẽ thực hiện trồng thuốc lá trên ruộng 1 vụ. Si Ma Cai có 1.100ha đất trồng lúa nước nhưng chỉ có 150 ha diện tích lúa 2 vụ, diện tích còn lại đại đa số là được bỏ trống sau khi thu hoạch lúa mùa. Việc triển khai cây thuốc lá xuống đồng ruộng 1 vụ vừa là tăng cường thâm canh đất đồng thời nâng cao năng suất cây trồng so với đất đồi, nương.
Khảo sát và quy hoạch của Viện Khoa học nông nghiệp thì Si Ma Cai có thể trở thành vùng nguyên liệu lớn với 1.000ha cây thuốc lá. Theo kế hoạch của huyện Si Ma Cai thì tới năm 2015 địa phương phấn đấu trồng 500ha cây thuốc lá. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở bởi ngay trong thời gian này Si Ma Cai đã có những đột phá lớn. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ sự hỗ trợ của Nhà nước cần kéo dài một số năm để những bứt phá của huyện nghèo vùng cao biên giới có hiệu quả và bền vững hơn.
(Nguồn: Báo Lào Cai)
[TT: H.T.N]