Sóc Trăng: Lâm Kiết ngày mới
Trước đây, Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) được xem là xã nghèo có đông đồng bào Khmer sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 35%. Thế nhưng, sau nhiều năm được đầu tư từ Chương trình 135, 134 của Chính phủ và một số chính sách khác hỗ trợ cho đồng bào Khmer nghèo phát triển và sự vươn lên thoát nghèo của người dân thì cuộc sống đã không ngừng cải thiện. Những ngôi nhà lá lụp xụp, đường sá lầy lội nay đã thay bằng những ngôi nhà tôn, nhà tường mái gói đỏ khang trang. Nông thôn Lâm Kiết đã thật sự thay da đổi thịt…
Trở về Lâm Kiết, khung cảnh làng quê nghèo nơi đây giờ đã hoàn toàn đổi thay. Ở từng khu dân cư, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên. Những con đường đến trung tâm xã xưa kia vào mùa nắng thì bụi bặm, mưa thì sình lầy, nay đã được trải nhựa phẳng phiu. Tôi ghé thăm ấp Kiết Lợi là ấp nghèo nhất, có đông đồng bào Khmer nhất của xã Lâm Kiết trước đây. Tiếp tôi tại UBND xã, Anh Huỳnh Văn Chánh, Trưởng ấp Kiết Lợi khoe: “Bây giờ ấp này đã trở thành khu dân cư tiên tiến của xã 2 năm liền. Trường học, đường nông thôn, điện thắp sáng… đều được Nhà nước đầu tư đến phum, sóc. Còn hộ nghèo thì được Nhà nước cho nhà ở, vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi nên ai cũng cố gắng làm ăn để vươn lên khá giả”. Anh Chánh đưa tôi tham quan vòng quanh ấp. Xe hon đa của chúng tôi lướt nhẹ trên đường bê tông phẳng phiu, trên những cánh đồng thì bà con đang tất bật thu hoạch lúa, dưa hấu, bí đỏ… Những căn nhà lá được thay bằng nhà lợp tôn, cột đúc do Chương trình 134, Quyết định 167 của Chính phủ hỗ trợ.
Không chỉ đổi thay ở ấp Kiết Lợi mà những ấp có đông đồng bào Khmer như Kiết Thắng, Trà Do… đang trên đường đổi mới. 6/6 ấp đều có đường giao thông nông thôn, xe hai bánh đi lại cả hai mùa mưa nắng. Nhà nhà đều có phương tiện đi lại, điện sử dụng, nước sạch sinh hoạt. Theo tuyến đường bê tông vào mỗi ấp đều có điểm trường tiểu học, mẫu giáo và tại trung tâm xã có trường THCS nên con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Ông Lý Chuôl, một lão nông ở ấp Trà Do, cho biết: “Từ lúc chưa có đường bê tông, việc học hành của con em ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Nông dân đến mùa thu hoạch rau màu thì có người gánh ra Quốc lộ 1A, người thì chèo ghe đến chợ Nhu Gia (xã Thạnh Phú) để bán nên thường bị ép giá. Bây giờ giao thông thuận lợi, trồng màu đến thu hoạch thì thương lái đến tận nhà mua; còn trường học có gần nên con em ai cũng được đến trường. Nhà nhà đều có xe gắn máy, cuộc sống của bà con cũng được cải thiện”.
Lâm Kiết có 1.305 hộ dân, trong đó đồng bào Khmer chiếm trên 52%. Trước năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm trên 35%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 19%. Đạt được kết quả đó, nhờ vào sự đầu tư của Chương trình 135, 134 của Chính phủ và một số chính sách hỗ trợ khác cho hộ Khmer nghèo phát triển kinh tế. Hiện nay, Chương trình 134 và Quyết định 167 của Chính phủ đã cất được 329 căn nhà, xây dựng 1 trạm cấp nước, cấp trên 212 lu xi măng đựng nước và đóng hơn 50 cây nước sạch cho hộ Khmer nghèo. Lâm Kiết còn được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ về đầu tư cơ sở hạ tầng. Những năm qua Lâm Kiết đã xây dựng 11 công trình giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế… đều được xây dựng khang trang. Hệ thống kênh thủy lợi nội đồng đã được xây dựng hoàn chỉnh giúp hơn 1.862ha đất nông nghiệp trồng từ một vụ lúa sang trồng 2 vụ lúa + 1 màu. Cây màu được bà con trồng dưới ruộng như: dưa hấu, bí đỏ… đạt hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hằng năm Lâm Kiết còn kết hợp Trạm Khuyến nông huyện mở 35 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho người dân địa phương. Thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước cho đồng bào Khmer, đến nay xã đã hỗ trợ 92 con bò lai Sind, giống lúa, hoa màu cho hàng trăm hộ Khmer nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã. Bình quân mỗi năm, Ngân hàng Chính sách – Xã hội cho bà con nghèo vay vốn trên 6 tỷ đồng để sản xuất. Đồng thời, xã Lâm Kiết còn kết hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Thạnh Trị đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho trên 532 lao động dân tộc Khmer làm việc ở trong, ngoài tỉnh. Nhờ đó, năm 2009, xã có 90 hộ thoát nghèo.
Thạch Cương là một trong những hộ được hỗ trợ đất, nay đã thoát nghèo cho biết: “Gia đình tôi nghèo, có 4 đứa con mà chỉ có 1 công đất sản xuất (1.000m2). Được Nhà nước cho nhà ở, cho vay vốn và hỗ trợ giống dưa hấu, tôi đã thuê thêm 2 công đất để trồng dưa hấu nên đã không phải đi làm thuê xa. Năm nay, tôi đã được Nhà nước hỗ trợ máy bơm nước và tiếp tục cho vay 10 triệu đồng, hỗ trợ kỹ thuật nên tôi tiếp tục thuê đất để làm 2 vụ lúa + 1 vụ dưa hấu. 2 đứa con lớn thì làm việc ở TP. Hồ Chí Minh nên cuộc sống gia đình tôi giờ đã khá hơn nhiều”.
Các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được quan tâm, xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hiện nay, toàn xã có trên 95% hộ dân sử dụng điện, trên 87% hộ sử dụng nước sạch. Ông Lê Quốc Đời, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “So với 10 năm trước thì nông thôn Lâm Kiết đã thật sự thay da đổi thịt. Tất cả hộ Khmer nghèo đều có nhà ở, vốn phát triển kinh tế nên cuộc sống ngày càng được nâng cao. Mục tiêu chung của chúng tôi là phấn đấu năm 2010 toàn xã sẽ có 90 hộ thoát nghèo. Trước mắt, tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn của Nhà nước đối với vùng đồng bào Khmer, xã sẽ tạo điều kiện cho 304 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Chúng tôi sẽ kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ vốn, giống để bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục đầu tư xây 38 căn nhà theo Quyết định 167 và kết hợp Trung tâm dạy nghề để dạy nghề và giới thiệu việc làm cho các hộ nghèo”. Với những gì đã đạt được trong ngày hôm nay, hy vọng Lâm Kiết phấn đấu hơn nữa để ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo, góp phần xây dựng quê ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Thạch Pích
[TT:T.V.T]