Sơn La: Trồng cây sơn tra cho hiệu quả kinh tế cao ở Bắc Yên
Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, địa hình dốc, nhiều núi cao, khe sâu, độ cao trung bình hơn 1.000 m so với mặt nước biển và có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây sơn tra (còn gọi là táo mèo).
Một sản vật đặc trưng vùng cao đã được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu táo sơn tra Sơn La năm 2018; trong đó có huyện Bắc Yên - địa phương có diện tích cây sơn tra lớn nhất tỉnh Sơn La.
Sơn tra là loại cây mọc tự nhiên trên những dãy núi cao, sườn đồi, con dốc của các xã vùng cao huyện Bắc Yên. Những nơi càng cao, quả sơn tra có màu vàng tươi, thơm hơn và có vị chua ngọt độc đáo. Trước đây, quả sơn tra chỉ được biết đến như loại sản phẩm của núi rừng, giá trị kinh tế không cao.
Những năm gần đây, quả sơn tra và các sản phẩm chế biến từ quả sơn tra được thị trường ưa chuộng cũng như đem lại giá trị kinh tế. Nhận thấy tiềm năng đó, huyện Bắc Yên đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách đầu tư phát triển sản xuất cây sơn tra. Đồng thời, lựa chọn sơn tra là cây trồng chủ lực trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Cùng với đó, huyện Bắc Yên đã liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến quả sơn tra trên địa bàn đảm bảo luôn có đầu ra cho người dân với giá ổn định.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết, thời gian qua, UBND huyện Bắc Yên đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cử cán bộ xuống các xã, bản trực tiếp hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây sơn tra. Cùng với đó, huyện đã tổ chức các chương trình, dự án ghép cải tạo cây sơn tra kém hiệu quả với giống sơn tra trội nhằm tăng năng suất và tạo sản phẩm quả đồng nhất về chất lượng.
Cùng với đó, thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về xây dựng vườn ươm cây sơn tra ghép lưu vườn, huyện Bắc Yên đã triển khai hỗ trợ cho Hợp tác xã nông nghiệp sơn tra Bắc Yên xây dựng vườn ươm ứng dụng công nghệ ươm giống cây sơn tra lưu vườn và thực hiện ghép giống cây sơn tra trội với quy mô 1,4 ha, công suất sản xuất giống đạt trên 20 vạn cây/năm, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu sơn tra trong tỉnh.
Huyện Bắc Yên cũng đã thành lập các hợp tác xã, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi liên kết như Hợp tác xã nông nghiệp sơn tra Bắc Yên, Hợp tác xã sơn tra Nậm Lộng (xã Hang Chú) chuyên trồng và chăm sóc phát triển cây sơn tra, Công ty TNHH Bắc Sơn về bao tiêu sản phẩm và bảo quản, chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra.
Với đặc điểm dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, cây sơn tra ngày càng phát triển đã trở thành một loại quả đặc sản của vùng cao Bắc Yên. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, đến nay, diện tích cây sơn tra của huyện Bắc Yên ngày một mở rộng và tạo thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Anh Phàng A Anh ở bản Cáo B, xã Làng Chếu chia sẻ, trước đây diện tích nương của gia đình chủ yếu trồng lúa, dong riềng nhưng cho hiệu quả thấp nên đã chuyển sang trồng cây sơn tra. Hiện nay, một số diện tích cây sơn tra trồng từ những năm trước đã ra quả và cho thu nhập.
Còn anh Sồng A Mang ở bản Cáo A, xã Làng Chếu, cho hay, cây sơn tra không phải ở đâu cũng trồng được, mà nó chỉ phù hợp với vùng cao. Trước kia, gia đình anh chỉ trồng 1 ha nhưng đến nay diện tích cây sơn tra đã tăng lên 6 ha, sản lượng quả cũng tăng lên qua các năm và cho thu nhập ổn định.
Nói đến loại cây này phải kể đến Hang Chú - xã có diện tích cây sơn tra lớn nhất huyện Bắc Yên với trên 1.000 ha. Những năm qua, sơn tra đã trở thành cây trồng đem lại thu nhập chính cho người dân địa phương. Ông Phàng A Giảng, Phó Chủ tịch UBND xã Hang Chú, thông tin: Sản phẩm quả sơn tra trên địa bàn xã luôn được đánh giá chất lượng tốt và hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, những năm gần đầy, được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước nên diện tích cây sơn tra trên địa bàn xã tăng lên rất nhiều và đảm bảo công tác môi trường cũng như phát triển rừng của xã Hang Chú.
Hiện nay, huyện Bắc Yên có tổng diện tích trên 2.500 ha cây sơn tra; trong đó, có hơn 380 ha diện tích sơn tra tự nhiên và diện tích sơn tra còn lại do người dân trồng. Cây sơn tra ở Bắc Yên tập trung chủ yếu tại các xã vùng cao như Làng Chếu, Háng Đồng, Xím Vàng, Hang Chú, Tà Xùa. Diện tích táo sơn tra cho sản phẩm là trên 1.100 ha, năng suất đạt 15,1 tạ/ha.
Năm 2019, sản lượng thu hoạch táo sơn tra của huyện Bắc Yên ước đạt 1.800 tấn; giá bán trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng quả. Hình thức tiêu thu chủ yếu quả sơn tra tươi khoảng 80% tổng sản lượng ra thị trường trong và ngoài tỉnh, được thương lái từ các nơi đến thu mua; 20% sản lượng chế biến thành các sản phẩm như rượu vang sơn tra, rượu táo mèo, nước ép từ quả sơn tra.
Giờ đây, những nương ngô, khu vực đất trống, đồi núi trọc ở Bắc Yên đã được thay bằng các cánh rừng sơn tra. Nhờ dễ trồng, dễ chăm sóc, cây sơn tra đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân các xã vùng cao huyện Bắc Yên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và góp phần nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn.
DT&MN