Sức sống mới xã vùng cao Thượng Lâm
Từ một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ canh tác còn nhiều hạn chế, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã có nhiều đổi thay rõ nét. Đời sống của bà con nơi đây cũng được cải thiện.
Với đặc thù là xã vùng cao, địa hình phức tạp, đường giao thông khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa. Nhận thức rõ điều đó, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền xã Thượng Lâm ưu tiên phát triển đường giao thông nông thôn. Chương trình này đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong xã, mọi người đều tích cực tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động và hiến đất để làm đường. Đến nay, toàn bộ các trục đường xã, liên xã, hơn 95% trục đường thôn, liên thôn và hơn 7 km đường nội đồng đã được bê-tông hóa. Hệ thống thủy lợi cũng được hoàn thiện để phục vụ tưới tiêu 153 ha đất lúa trồng hai vụ.
Thay đổi rõ nét nhất chính là đời sống mọi mặt của người dân đều được nâng lên. Tỷ lệ hộ khá giàu tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, thu nhập bình quân ở Thượng Lâm đạt hơn 24 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, xã Thượng Lâm nằm gần hồ thủy điện Tuyên Quang là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Phát huy lợi thế đó, nhiều hộ dân trong xã đã phát triển loại hình du lịch cộng đồng, cho thu nhập bình quân mỗi hộ hơn 40 triệu đồng/năm.
Để duy trì các tiêu chí nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Thượng Lâm đã vận động và hướng dẫn người dân phát triển cây trồng vụ đông, đưa các cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đến nay, hơn 100 ha đất vườn đồi của xã được các hộ xây dựng thành các mô hình trang trại tổng hợp nuôi trồng những sản vật của địa phương như trồng rau bò khai, rau ngót rừng, giảo cổ lam, nuôi lợn đen, nuôi gà thả vườn, nuôi trâu nhốt chuồng... Điển hình như mô hình trang trại nuôi cá bỗng, cá anh vũ của gia đình anh Nguyễn Việt Hòa, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm. Đây là những loại cá quý hiếm, lớn chậm nhưng ít bệnh, thịt ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao. Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, gia đình anh Hòa trồng các loại rau, bí đỏ làm thức ăn cho cá. Sau ba năm chăm sóc, mỗi con cá bỗng đạt trọng lượng gần 3 kg. Với giá thị trường hiện nay khoảng 250 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình anh Hòa thu gần một tỷ đồng. Trang trại nuôi cá của anh Hòa đang là mô hình điểm để người dân trong và ngoài xã đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Từ khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, bức tranh làng quê ở Thượng Lâm ngày càng khởi sắc. Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm Quan Văn Sỹ cho biết, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân, nhất là những địa phương miền núi. UBND xã tiếp tục phối hợp các tổ chức đoàn thể, vận động, hướng dẫn nhân dân tích cực vệ sinh đường làng, ngõ xóm, làm cho cảnh quan, môi trường thôn, bản sạch đẹp hơn. Qua đó, góp phần duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, trong đó chú trọng tiêu chí về môi trường.
nhandan.org.vn