Tân Lạc xóa đói, giảm nghèo từ trồng quýt
Là một trong những xã thuộc vùng 135, trước kia đời sống người dân xã Nam Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình) còn gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây nhờ việc đẩy mạnh phát triển giống quýt bản địa đã giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Nam Sơn vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Anh Bùi Văn Lừng, dân tộc Mường ở xóm Bương, xã Nam Sơn chia sẻ "trước đây nửa ha đồi, gia đình tôi tập trung trồng ngô, sắn, rau các loại nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Sau khi thấy giống quýt bản địa có năng suất, chất lượng tốt nên gia đình chuyển sang trồng loại cây này. Ðến nay, gia đình tôi đã trồng được khoảng 350 cây quýt, như quýt ngọt, quýt chua và quýt dẹt bánh xe. Năm 2013, một số diện tích quýt trồng từ năm 2009 đã bắt đầu cho quả, gia đình tôi thu được khoảng 30 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng ngô, sắn". Là một trong những hộ điển hình của xã trong việc trồng quýt bản địa, gia đình anh Ðinh Văn Ðứng, dân tộc Mường ở xóm Bương, xã Nam Sơn giờ đây có khoảng 500 cây quýt đang cho quả đều đặn. Ðược cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn tận tình cũng như học tập kinh nghiệm từ thực tiễn cho nên vườn quýt gia đình đều sinh trưởng, phát triển tốt. Ðặc biệt, quýt Nam Sơn lại được thị trường ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ. Hiện nay, mỗi năm từ việc bán quýt đã mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 80 đến 100 triệu đồng.
Thời gian gần đây một số doanh nghiệp đã về Nam Sơn thực hiện khảo sát, đánh giá chất lượng giống quýt bản địa để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Giống cây trồng Phương Huyền Nguyễn Thị Tâm cho biết, công ty sẽ khảo sát để bao tiêu sản phẩm cho bà con nơi đây. Việc ký hợp đồng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, vì chúng tôi sẽ cử cán bộ bám sát địa bàn, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để làm sao cây quýt đạt được năng suất, chất lượng tốt nhất. Ðiều này sẽ giúp bà con tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn với giá thu mua hợp lý. Từ đó, người dân trong xã Nam Sơn không còn cảnh phải chở từng bao tải quýt đi bán tại nơi khác, cũng như bị tư thương đến mua ép giá.
Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Bùi Thanh Truyền cho biết, một trong những nguyên nhân để Nam Sơn xóa đói, giảm nghèo bền vững trong thời gian qua là nhờ phát triển giống cây quýt bản địa. Nếu như trước đây, cây quýt được người dân trong xã trồng manh mún, nhỏ lẻ, thì nay lại là một trong những cây trồng hợp với khí hậu, đất đai và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong xã. Hiện nay, toàn xã Nam Sơn có hơn 310 hộ tham gia trồng được khoảng 35 ha quýt, thu nhập ổn định từ 30 đến 100 triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ dân là đồng bào DTTS thoát được cảnh khó khăn vươn lên làm giàu bền vững.