Tân Sơn giảm nghèo hiệu quả
Là địa phương duy nhất của tỉnh Phú Thọ được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đến nay, huyện Tân Sơn đã có nhiều việc làm cụ thể giúp bà con nông dân tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Hồng Kỳ ở bản Cọ Sơn, xã Thu Ngạc trước đây luôn trong cảnh đói nghèo, cơm không đủ ăn, gia đình thường xuyên đứt bữa. Từ chương trình hỗ trợ giảm nghèo của huyện, năm 2009, gia đình ông mua được một con bò sinh sản. Thấy đây là con đường thoát nghèo, ông bàn với gia đình mua thêm một con bò và chăn nuôi thêm gà giống, lợn rừng lai, dê.
Thời gian đầu, nhiều đêm ông mất ngủ vì cả tài sản gia đình vay mượn đều "đổ" hết vào đầu tư chăn nuôi, nếu không may gia súc, gia cầm bị dịch bệnh, ốm đau thì cả nhà lấy gì để sinh sống. Nhưng với quyết tâm thoát nghèo cộng với sự giúp đỡ của chính quyền đoàn thể địa phương, sau hơn ba năm cần mẫn chăm sóc, đến nay gia đình ông Kỳ đã có sáu con bò, một đôi lợn rừng lai bố mẹ, đàn dê gần 10 con, gần 100 con gà và hơn 10 ha rừng. Ông Kỳ chia sẻ, ơn Đảng, Nhà nước, hiện gia đình tôi đã thật sự thoát nghèo, bình quân thu nhập hằng tháng cũng đạt gần 10 triệu đồng. Nhờ mô hình này, cái ăn, cái mặc được no đủ, mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ đời sống gia đình.
Cũng như hoàn cảnh gia đình ông Kỳ, gia đình ông Hà Văn Muối ở khu Cợ Sơn 2 với năm miệng ăn mà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán cho nên cái đói, cái nghèo quanh năm bám lấy gia đình. Ông cho biết, cuối năm 2009, được Nhà nước hỗ trợ một con trâu sinh sản, gia đình chạy đôn đáo vay mượn để mua thêm một con trâu. Nhờ công chăm sóc, đến nay, gia đình ông có sáu con trâu với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Bán một con trâu cũng được khoản tiền giúp gia đình ông sửa căn nhà bảo đảm cuộc sống. Ông bảo, cứ đà này, sang năm gia đình ông sẽ có thêm vài con trâu nữa. Nhiều hộ trong bản như chúng tôi cảm ơn chính sách của Nhà nước đã giúp cho nhiều hộ thoát cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu.
Ngay sau khi Nghị quyết 30a có hiệu lực, UBND huyện Tân Sơn xây dựng đề án phát triển kinh tế, xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020 với mục tiêu cơ bản là giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo, sớm đưa Tân Sơn thoát khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu.
Theo UBND huyện Tân Sơn, trong các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, ngoài các chính sách đầu tư cơ sở vật chất thì chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất phát huy hiệu quả rõ nét được người dân đặc biệt quan tâm. Do đó, ngay từ khi triển khai, huyện luôn chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm giúp bà con nông dân ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Sự hỗ trợ đầu tư đúng hướng này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đồng bào dân tộc vùng cao. Nhiều mô hình sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho giá trị kinh tế cao như trâu, bò sinh sản, nuôi lợn rừng lai, gà nhiều cựa, rau đặc sản, kinh tế vườn rừng, trang trại... đang được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ tạo hướng phát triển hàng hóa, đặc sản, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân.
Tính từ năm 2011 đến nay, huyện Tân Sơn đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 19 nghìn lượt hộ với tổng nguồn vốn gần 38 tỷ đồng. Trong đó đã hỗ trợ chăm sóc và bảo vệ rừng hơn 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao đạt hơn 12 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi vật nuôi có giá trị kinh tế cao đạt gần 22 tỷ đồng...
Từ chương trình này, đến nay, mô hình trồng cây ngắn ngày như lúa, ngô, khoai tây, đậu tương đã được bà con nông dân áp dụng hiệu quả góp phần nâng năng suất từ 50,5 tạ/ha năm 2011 lên 52 tạ/ha; diện tích trồng chè tăng 350 ha; hỗ trợ được 829 con bò lai sin và sinh sản thêm 370 con, hỗ trợ 284 trâu sinh sản, đã sinh sản được 97 con và hỗ trợ hơn 3.500 con gà sinh sản được hơn 4.200 con...
Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Nguyễn Trung Kiên cho biết, qua hơn ba năm triển khai hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, huyện đã góp phần từng bước bảo đảm được an ninh lương thực tại chỗ, tăng thu nhập cho đại bộ phận hộ dân trên địa bàn, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nông, lâm nghiệp bền vững; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 48,8% năm 2010 xuống còn 24,88% năm 2013; tăng thu nhập bình quân đầu người từ 6,75 triệu đồng/người năm 2010 lên 12,23 triệu đồng/người năm 2013.
Hiện nay, người dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời xây dựng được các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả cao, từng bước thay đổi tập quán canh tác quảng canh, tự túc sang sản xuất gắn với thị trường theo hướng an toàn, bền vững.