Tăng cường chỉ đạo triển khai công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Thời gian qua, các chính sách dân tộc được tỉnh Quảng Ninh thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định của Trung ương; ngoài ra một số chính sách đặc thù được tỉnh Quảng Ninh cụ thể hóa theo hướng nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng thụ hưởng và đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào thực hiện công tác giảm nghèo ở vùng DTTS&MN, nhất là địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.

 

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, biển đảo, có diện tích tự nhiên trên 6.000 km2. Tỉnh có 14 đơn vị hành chính gồm 04 thành phố, 02 thị xã và 08 huyện với 186 xã, phường, thị trấn. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của tỉnh có 113 xã, phường, thị trấn (trong đó có 64 xã khu vực I, 32 xã khu vực II và 17 xã khu vực III), với đặc thù là tỉnh đa dạng về thành phần dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số có trên 162.000 người, chiếm 12,31% dân số cả tỉnh, cư trú ở trên 85% diện tích của tỉnh và tại các vùng có vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh, biên giới quốc gia. 

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, do đó diện mạo vùng DTTS&MN đã có nhiều đổi mới; cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng khó khăn từng bước được đầu tư, cải thiện, chính sách an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, chương trình giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, ổn định và nâng cao hơn trước; nếp sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, chủ quyền an ninh biên giới được bảo vệ vững chắc.

Điểm nổi bật là tỉnh đã tập trung, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, nhất là thông qua Đề án 196 (Đề án “nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017- 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”), cụ thể hóa Chương trình 135 đối với tỉnh Quảng Ninh, với tổng kinh phí bố trí đối với 22 xã, 11 thôn đặc biệt khó khăn khi xây dựng Đề án và 17 xã, 54 thôn ĐBKK hiện nay là gần 1.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh được xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 1.500,985 tỷ đồng, đến nay đã bố trí 1.216,959 tỷ đồng để thực hiện; mục tiêu là đến hết năm 2019 tỉnh Quảng Ninh không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. 

Triền khai thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTgngày 02/9/2016của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo các cấp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, thành viên Ban chỉ đạo là Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND của 14 huyện, thị xã, thành phố được phân công phụ trách địa phương (cấp tỉnh phụ trách cấp huyện, cấp huyện phụ trách cấp xã). Đối với địa phương, 14/14 huyện, thị xã, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; bố trí cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách ở cấp huyện, cấp xã để thực hiện Chương trình; 100% địa phương cấp xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã. Các Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo.

Hàng năm, UBND các cấp đều ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện; quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và cụ thể hoá Chương trình giảm nghèo của tỉnh thành chương trình giảm nghèo của địa phương, đơn vị mình, gắn Chương trình giảm nghèo với các Chương trình phát triển KT-XH và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng DTTS&MN; xây dựng các nghị quyết chuyên đề thực hiện giảm nghèo, tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH, thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo ở vùng DTTS&MN. 

Việc thực hiện công tác giảm nghèo ở vùng DTTS&MN được kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo với kế hoạch phát triển KT-XH trên từng địa bàn dân cư của từng địa phương và toàn tỉnh; đồng thời có cơ chế, chính sách giảm nghèo phù hợp đối với  vùng DTTS&MN. Ưu tiên tập trung đầu tư trọng điểm vào những vùng, địa bàn và nhóm dân cư khó khăn nhất (địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn); ban hành một số cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng DTTS&MN. Hàng năm, các Sở, ban, ngành đã bám sát Chương trình giảm nghèo của tỉnh, sự chỉ đạo của Trung ương, kịp thời ban hành hướng dẫn và xây dựng các dự án, chính sách về giảm nghèo ở vùng DTTS&MN để triển khai thực hiện. 

UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương chủ động quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân vùng DTTS&MN và đồng bào các DTTS thông qua việc thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, tham mưu thực hiện các chính sách dân tộc, chính sách giảm nghèo trên địa bàn. Hàng năm, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, phổ biến các chính sách mới về giảm nghèo, bảo trợ xã hội cho cán bộ làm công tác giảm nghèo của các huyện, thành phố, lãnh đạo UBND, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các xã, phường, thị trấn vùng DTTS&MN và các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, xóm trên địa bàn.

Chỉ đạo việc phân cấp, trao quyền, linh hoạt trong công tác điều hành, với các giải pháp cụ thể tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương, cơ sở thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vữngvùng DTTS&MN, ban hành Quyết định số 2108/QĐ-UBND ngày 31/5/2017, trong đó phân cấp để UBND cấp huyện chủ động trong chỉ đạo, thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135; kịp thời chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các địa phương trong thực hiện Đề án 196. Chỉ đạo các Sở, ngành chủ động kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án 196 tại các địa phương theo Quyết định số 1079/QĐ-UBND ngày 10/4/2017 của UBND tỉnh.

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành