Tăng cường giảm nghèo về thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số để không ai bị bỏ lại phía sau

Dự án “Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin” là một trong bốn dự án lớn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Việc mở rộng cơ hội tiếp nhận thông tin cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK là một chính sách đúng đắn và quan trọng để giảm nghèo đa chiều bền vững.

Xây dựng các điểm truy cập internet là một hình thức truyền thông hiệu quả

Giảm nghèo đạt nhiều kết quả

Trước đây, khi nói đến sự nghèo thường chỉ quan niệm đơn thuần là thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu những điều kiện sống tối thiểu, được quy chiếu trong bộ tiêu chí nghèo đơn chiều. Phương pháp tiếp cận nghèo đơn chiều này không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Từ đó, phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều ra đời đã bao quát đầy đủ, chính xác hơn về sự nghèo.

Theo ông Vũ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc thay đổi cách tiếp cận chuẩn nghèo là tác nhân làm thay đổi mục tiêu trong các chương trình giảm nghèo. Điều này được thể hiện rõ nhất trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1722/QĐ-TTG ngày 2/9/2016. Mục tiêu của Chương trình không chỉ dừng lại ở việc tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập của người dân mà còn tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và tiếp cận thông tin… 

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo đa chiều, thời gian qua, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế nhưng các bộ ngành, địa phương đã được bố trí một nguồn lực không hề nhỏ để thực hiện các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chỉ tính trong năm 2017, theo Báo cáo kết quả công tác giảm nghèo năm 2017; phương hướng nhiệm vụ năm 2018, ngày 02/1/2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngân sách Trung ương đã bố trí 7.231 tỷ đồng; cùng với đó là ngân sách địa phương cân đối cùng với hàng chục nghìn tỷ đồng tín dụng chính sách trực sẵn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. 

Nhờ đó, công tác giảm nghèo của nước ta tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Báo cáo của Bộ Lao dộng, Thương binh và Xã hội cho thấy, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn 6,72% (giảm 1,5% so với cuối năm 2016); trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 40%, giảm 5% so với cuối năm 2016; bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016. 

Kết quả giảm nghèo của nước ta được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam” được công bố ngày 05/4/2018, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã nêu rõ: Đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài.

Chính sách cấp phát báo miễn phí góp phần giúp người dân vùng dân tộc thiểu số tiếp cận kịp thời, đầy đủ thông tin

Vẫn còn nhiều thách thức

Đánh giá cao những nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam nhưng ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cũng chỉ rõ một thực trạng, các dân tộc thiểu số hiện vẫn chiếm 72% người nghèo ở nước ta. Mức tiêu dùng bình quân đầu người của người dân tộc thiểu số chỉ còn thấp hơn người Kinh và người Hoa khoảng 45%. Hơn nữa, người nghèo dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với khoảng cách ngày càng lớn về khả năng tiếp cận giáo dục, cải thiện nước sạch, vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin.

Báo cáo của WB tại Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thực trạng hiện nay ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của nước ta, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là khu vực không chỉ “trũng” về kinh tế mà nhiều chỉ số đo lường nghèo khác đều rất đáng báo động; đặc biệt là việc tiếp cận, thụ hưởng về thông tin-một “kênh” quan trọng để người nghèo có điều kiện vận dụng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế. 

Theo Ủy ban Dân tộc, tính đến tháng 5/2017, cả nước có 1.928 xã đặc biệt khó khăn và 211 xã biên giới, an toàn khu. Các xã này có đặc điểm chung là giao thông cách trở, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội hạn chế và trình độ dân trí thấp, nhiều nơi có địa hình sông núi chia cắt, khí hậu khắc nghiệt. Những địa phương này không chỉ là những “vùng trũng” về phát triển kinh tế-xã hội, mà cũng là những nơi “thiếu đói” về thông tin. 

Ai cũng biết rằng, con người muốn tồn tại trước hết phải bảo đảm những nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, ở, sức khỏe, vì vậy mục tiêu giảm nghèo cũng phải hướng đến giải quyết những nhu cầu căn bản đó. Nhưng đối với bộ phận cư dân nghèo hiện nay, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phải làm sao lý giải cho họ căn nguyên của “cái nghèo luẩn quẩn” mới là điều đáng quan tâm. Nếu những người dân nghèo được “khơi thông” tư tưởng là không dựa dẫm, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chủ động vượt khó, dám nghĩ, dám làm, biết làm và quyết chí đi lên bằng chính bàn tay, khối óc của mình thì nhất định họ sẽ từng bước làm chủ được cuộc sống của mình. Muốn vậy, phải tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền để góp phần thúc giục những người dân nghèo bớt… nghèo. 

Chìa khóa” cho giảm nghèo bền vững

Giai đoạn 2016-2020, Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin trở thành một hợp phần quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Việc giảm nghèo về thông tin thực chất là tạo điều kiện cho bộ phận cư dân nghèo được tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo và những quyền lợi gắn bó thiết thân với cuộc sống của bà con. Đây cũng là cơ hội để người dân nghèo được học tập, nắm bắt những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhằm ứng dụng vào cuộc sống, lao động, sản xuất để góp phần làm giàu giá trị tri thức, văn hóa, kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thực hiện dự án, trong năm 2017, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngân sách trung ương đã phân bổ 60 tỷ đồng để thực hiện; trong đó hoạt động truyền thông về giảm nghèo là 18 tỷ đồng và hoạt động giảm nghèo về thông tin là 42 tỷ đồng. 

Từ nguồn vốn này, các bộ ngành, địa phương đã phối hợp với các cơ quan báo-đài sản xuất và phát hành được 93 chương trình truyền hình, 131 chương trình phát thanh, 73 phóng sự và trên 12 nghìn tin bài. Qua đó, người nghèo đã được tiếp cận với các chính sách, chương trình giảm nghèo, các gương hộ nghèo làm kinh tế giổi vươn lên để thoát nghèo,… 

Ngoài ra, các địa phương đã tổ chức gần 300 chương trình tọa đàm và đối thoại chính sách, nói chuyện chuyên đề về chính sách, chương trình giảm nghèo, với trên 3 nghìn lượt cán bộ và gần 9 nghìn lượt người dân tham gia. Qua đó đã chuyển tải chính sách, chương trình giảm nghèo đến đông đảo cộng đồng, người dân; khuyến khích, động viên người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo. 

Việc triển khai Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin trong thời gian qua đã phần nào giúp cán bộ, đảng viên và người dân ở các địa phương nghèo có thêm “kênh” để giảm nghèo, thoát nghèo. Tuy nhiên, trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, để thông tin sớm “phủ sóng” nhanh nhạy đến vùng sâu, vùng xa, vùng cao, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường bố trí hệ thống loa đài truyền thanh và xây dựng các điểm truy cập internet công cộng ở địa bàn thôn, xã; hỗ trợ một phần kinh phí (hoặc cấp miễn phí) các phương tiện thông tin đại chúng như ra-đi-ô, ti vi, máy vi tính... cho các hộ dân nghèo. Những phương tiện này nếu được hỗ trợ đúng đối tượng, khai thác đúng lúc, đúng chỗ sẽ phát huy tác dụng, hiệu quả to lớn trong việc đẩy lùi “nghèo đói” về thông tin cho người dân.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành