Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 2.600 người, nâng tổng số lao động được tuyển dụng dài hạn trong vòng 4 năm qua lên 5.600 người, đảm bảo đủ định mức giao khoán quản lý cho 5 ha/người. Các DN cũng cam kết tiếp tục đầu tư 41,5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng dự án, góp phần giải quyết khó khăn về đời sống cho người dân tại chỗ, đảm bảo an sinh xã hội.
Từ năm 2008 đến nay, thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, các DN đã khai hoang trồng mới 28.500 ha cao su, nhưng có đến hơn 15.000 ha chỉ sử dụng lao động thời vụ để chăm sóc vườn cây hàng năm, chứ chưa tuyển dụng được lao động dài hạn (thiếu khoảng 3.000 lao động). Một trong những nguyên nhân chính là lao động người dân tộc thiểu số không muốn rời buôn làng để đi xa làm công nhân, hơn nữa việc làm còn quá mới mẻ so với nương rẫy truyền thống. Ngược lại, các DN vẫn chưa "mặn mà" với việc tuyển dụng lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ bởi năng suất lao động thấp, không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trên cơ sở cam kết thực hiện tiếp nhận lao động tại chỗ vào làm công nhân, các DN có phương án đào tạo nghề và chăm lo đến đời sống của người lao động khi họ rời buôn làng. Công ty TNHH MTV cao su Chưprông là một trong những đơn vị hàng tuần bố trí xe đưa đón công nhân ở các buôn làng đến địa điểm trồng mới cao su cách xa 40 km. Trong tháng, lao động được nghỉ 3 - 4 ngày để về thăm gia đình.
( Theo baotintuc.vn)
[TT: LPM]