Tạo đột phá phát triển kinh tế tập thể ở miền núi
Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi đề ra nhiều giải pháp, trong đó sẽ xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Đây là định hướng cần thiết để thúc đẩy lĩnh vực kinh tế tập thể, tạo đột phá phát triển vùng DTTS và miền núi.
Số lượng chưa đi liền chất lượng
Các địa phương miền núi là địa bàn thuận lợi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, nhất là mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Bởi đây là mô hình “vừa tầm” với nền tảng kinh tế-xã hội của địa phương, phù hợp với thế mạnh sản xuất nông-lâm nghiệp của người dân miền núi; đồng thời, với bản chất vì lợi ích chung của các thành viên, của cộng đồng nên mô hình HTX phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào các DTTS.
Vì lẽ đó, những năm gần đây (nhất là sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực), mức độ thành lập HTX mới ở các địa phương vùng DTTS và miền núi tăng vọt. Chỉ tính riêng vùng trung du, miền núi phía Bắc, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện toàn vùng có 3.371 HTX nông nghiệp, tăng 155% so với năm 2013, chiếm trên 24% trong tổng số HTX nông nghiệp của cả nước.
Nhưng tăng về số lượng không đồng nghĩa với việc chất lượng hoạt động của HTX nông nghiệp được nâng lên, kéo theo đời sống của xã viên cũng chưa được cải thiện nhiều. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, ở vùng trung du, miền núi phía Bắc, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX chỉ đạt 36,53 triệu đồng/người/năm, vị chi bình quân mỗi tháng lao động chỉ thu nhập hơn 3 triệu đồng.
Đáng chú ý, HTX nông nghiệp vốn được xem là “bà đỡ” của kinh tế hộ, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng DTTS và miền núi. Gọi là “bà đỡ” là bởi, HTX nông nghiệp vừa làm dịch vụ, cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật,… vừa bao tiêu sản phẩm. HTX nông nghiệp còn là đơn vị kinh tế tổ chức sản xuất chuyên canh để áp dụng khoa học-kỹ thuật làm tăng giá trị của nông-lâm sản gắn với Chương trình “Mỗi xã, phường mỗi sản phẩm” (OCOP).
Nhưng rất khó để HTX nông nghiệp phát huy được vai trò “bà đỡ” này khi tiềm lực không đủ mạnh, nhất là vấn đề vốn. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đưa ra số liệu, hiện chưa đến 20% HTX nông nghiệp có khả năng tự lực vốn. Còn theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay bình quân vốn điều lệ của các HTX nông nghiệp chỉ được 800 triệu đồng/HTX, chủ yếu được hình thành từ vốn góp bằng tài sản và tiền của các thành viên.
Xây dựng cơ chế mới để phát triển
Thiếu vốn được xem là “điểm nghẽn” lớn nhất để phát triển các HTX nông nghiệp. Mặc dù đã được nhận diện từ nhiều năm nay nhưng “điểm nghẽn” này vẫn chưa được khai thông.
Việc huy động vốn từ xã viên rất khó khăn, còn việc tiếp cận vốn vay rất hạn chế vì đa phần HTX nông nghiệp đều không có tài sản thế chấp. Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, trong tổng số hơn 14.000 HTX nông nghiệp thì chỉ có khoảng 0,5% HTX có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Trong khi đó, các địa phương cũng chưa chú trọng hỗ trợ vốn để phát triển HTX. Chỉ tính vùng trung du miền núi phía Bắc, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong 15 năm (2004-2018), 14 tỉnh trong khu vực này bố trí được 598,43 tỷ đồng để thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ HTX.
Như vậy, bình quân mỗi năm, mỗi tỉnh bố trí được gần 4 tỷ đồng để hỗ trợ HTX. Trong khi đó, toàn vùng hiện có 3.371 HTX, chia bình quân thì mỗi tỉnh có 240,7 HTX. Vị chi, mỗi năm một HTX cũng chỉ được hỗ trợ hơn 16,6 triệu đồng để phát triển (!).
Trong các hội thảo góp ý vào Đề án tổng thể đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi, việc hỗ trợ phát triển HTX đã được quan tâm bàn luận. Tại hội thảo ngày 30/7/2019, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Nguyễn Văn Lý cho biết, việc hỗ trợ HTX là cần thiết để tạo đột phá phát triển vùng DTTS và miền núi.
“Cần tổ chức sản xuất cho đồng bào DTTS theo mô hình HTX để người dân sản xuất theo chuỗi mới hiệu quả chứ để từng hộ sản xuất riêng lẻ thì rủi ro rất lớn về dịch bệnh, năng suất, về sản phẩm”, ông Lý khẳng định.
Mới đây (ngày 25/9), tại Hội thảo khoa học “Đánh giá hiệu quả các Chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS tại Việt Nam”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Ngân hàng CSXH phối hợp với Ủy ban Dân tộc đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cho các HTX ở vùng DTTS và miền núi vay tín dụng CSXH với cơ chế đặc thù để phát huy hiệu quả và xung lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Trước mắt lập đề án xin thực hiện thí điểm nội dung này và cụ thể hóa trong Đề án Tổng thể tới đây trình Quốc hội.
Đây là tín hiệu vui đối với các HTX ở vùng DTTS và miền núi. Khi Đề án được thông qua, phê duyệt thành Chương trình mục tiêu quốc gia thì những “điểm nghẽn”, nhất là vấn đề vốn của HTX sẽ được hóa giải, từ đó phát huy vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ, góp phần phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi.