Thanh Hóa: Dấu ấn từ triển khai thực hiện chính sách dân tộc

Vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa có trên 1 triệu người, chủ yếu là các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ mú...sinh sống ở 11 huyện miền núi và 27 xã, thị trấn miền núi ở các huyện, thị giáp ranh. Toàn tỉnh có 16 xã biên giới giáp Lào, với 192 km đường biên giới.

Hầu hết các huyện, xã, thị trấn nơi đồng bào sinh sống xuất phát điểm về kinh tế, xã hội đều thấp, nhất là điều kiện cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Bên cạnh đó trình độ dân trí còn hạn chế và chênh lệch, trong vùng còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, với thói quen về cuộc sống du canh du cư khiến cho không ít hộ đồng bào không có điều kiện tổ chức cuộc sống sản xuất ổn định, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn cao; chất lượng giáo dục- đào tạo còn thấp. Đây cũng là vùng còn tồn tại tình trạng truyền đạo trái phép. Nhiều địa phương còn là “điểm nóng” về tệ nạn nghiện ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS, trung chuyển buôn bán ma túy qua biên giới.

Nhằm giải quyết từng bước những tồn tại trên, trong nhiều năm qua, tỉnhThanh Hóa luôn bám sát chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều chương trình, dự án chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, sau khi Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI đã đề ra Chương trình phát triển kinh tế - xã hội Miền Tây và cuối năm 2013 Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 09- NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020, gắn với xây dựng NTM, thì sự quan tâm đầu tư phát triển KT-XH trong vùng miền núi được cụ thể hơn.

Trong giai đoạn 2009- 2014, nguồn vốn huy động đầu tư cho vùng DTTS từ các chương trình, dự án, nhất là CT-135, 134, Nghị quyết 30a của chính phủ, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách đối với người có uy tín vùng DTTS... ước đạt 56.300 tỷ đồng, bình quân 9.383 tỷ đồng/năm, chiếm 22,4% vốn đầu tư cả tỉnh. Theo đó, nhiều công trình, dự án phục vụ dân sinh đã được đầu tư xây dựng như, đầu tư làm trên 2.000 km đường giao thông, trong đó, có 140 km đường nối các huyện phía tây; hoàn thành 18/18 tuyến đường đến các xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã.

Đã có hàng loạt công trình thủy lợi lớn: Hồ cửa Đặt, thủy lợi Tén Tằn, thủy lợi Sao Vàng - Ngọc Phụng; sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình hồ, đập khác... được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, năng lực tưới tăng thêm gần 2.000 ha. Nhiều dự án sản xuất công nghiệp lớn đã hoàn thành đi vào sản xuất góp phần tăng trưởng cho cả vùng. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã và đang được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới như: Đường Hồi Xuân – Tén Tằn, đường Cành Nàng - Phú Lệ; đầu tư xây dựng các công trình thủy điện mới như thủy điện Bá Thước I; thủy điện Trung Sơn, Hồi Xuân (Quan Hóa); xây dựng mới và cải tạo 7 trung tâm y tế, 11 bệnh viện đa khoa huyện.

Chương trình 135, 134, Dự án ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát; Dự án định canh định cư đã xây dựng, đưa vào sử dụng 1.765 công trình thiết yếu; 56 công trình nước sinh hoạt tập trung và 2.382 công trình nước sinh hoạt phân tán, theo đó có gần 7.900 hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt; Dự án đã vận động trên 45.000 hộ gia đình hạ sơn xây dựng những bản làng định canh định cư, chiếm 94,7% số hộ vùng vận động định canh định cư của tỉnh.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, công tác dân tộc sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 14 - 15%; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 2.000 USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm trở lên; phấn đấu các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK; 40% số xã và thôn bản ĐBKK ra khỏi diện ĐBKK theo tiêu chí quy định...

Hiện nay, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt trong vùng hàng năm ổn định từ 130 nghìn ha đến 140 nghìn ha; sản lượng đạt 381.000 tấn, tăng 13,7% so với năm 2009, bình quân lương thực đạt trên 400 kg/người/năm.

Phong trào “Hiến đất mở rộng nền đường”...đã huy động hàng ngàn ngày công lao động, hiến hơn 200.000 m 2 đất làm đường, đóng góp 694,4 tỷ đồng, cùng với hỗ trợ của nhà nước, đã làm được gần 800 km đường bê tông giao thông nông thôn; kiên cố hóa 344 km kênh mương; cải tạo, xây dựng nhiều nhà văn hoá thôn, phòng học, trạm y tế xã; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

Sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí luôn được các địa phương quan tâm, đến nay vùng dân tộc đã hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS.

Các lễ hội văn hóa truyền thống trong vùng đồng bào được đầu tư bảo tồn, duy trì và phát triển làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Trong năm 2013, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã triển khai Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Kết quả ban đầu, 2 gia đình người Mông tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát đã thực hiện việc mai táng cho người thân theo nếp sống mới, không còn treo quan tài trên cây như trước, không tổ chức ăn uống linh đình dài ngày gây tốn kém lãng phí.

Dân bản Mông chuẩn bị quan tài theo nếp sống mới

Một dấu ấn khác được ghi nhận là cuộc vận động xóa bỏ cây thuốc phiện ở miền núi. Theo đó, năm 1992 đã có gần 1 nghìn hộ đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mường Lát phá nhổ 623,5 ha cây thuốc phiện (chiếm gần 70% diện tích cây thuốc phiện do bà con trồng), diện tích tái trồng cây thuốc phiện các năm sau giảm dần, và đến nay đã chấm dứt.

Tuy nhiên, khu vực miền núi, vùng DTTS còn nhiều khó khăn. Việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương chính sách ở một số địa phương hiệu quả còn thấp, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn 30,36%, điển hình như hộ nghèo dân tộc Mông chiếm tới 59,75%, dân tộc Khơ Mú: 53,47%; dân tộc Dao vùng cao: 43,42%; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn 69,0%. Bên cạnh đó, một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được loại bỏ; tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn nghiện hút ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS, di cư tự do, truyền đạo trái phép còn diễn biến phức tạp.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế, cũng như thúc đẩy nhanh, bền vững công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; đảm bảo an ninh quốc phòng.

Ban Dân tộc với nhiệm vụ chức năng được giao, tiếp tục tham mưu để triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế- xã hội miền Tây, nghị quyết về giảm nghèo và nhiều chủ trương chính sách khác của Trung ương và của tỉnh. Cụ thể bằng kế hoạch, đề án, dự án...từ đó để miền núi phát triển và giảm nghèo nhanh, bền vững. Các cấp chính quyền, các chủ đầu tư tiếp tục đánh giá hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, nhất là chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội trong những năm qua, qua đó, rút kinh nghiệm những tồn tại hạn chế, tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhằm thực hiện chính sách dân tộc thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa.

Phấn đấu đến năm 2019 có trên 90 % thôn bản và gia đình đạt chuẩn văn hóa; góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên quê hương Thanh Hóa. Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy, tệ nạn nghiện ma túy, lây nhiễm HIV/ADS bằng nhiều biện pháp...

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành