Thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã vùng đồng bào dân tộc
Sau hơn 3 năm thực hiện, Chương trình 135 đã mang lại những kết quả tích cực. Đặc biệt, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đã góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
|
Nhà văn hóa thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu) vừa mới hoàn thành từ nguồn vốn của Chương trình 135. |
Là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Bình Liêu, những năm qua, nhờ nguồn vốn của Chương trình 135 cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, xã Húc Động đã có nhiều thay đổi. Đời sống nhân dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể, tỷ lệ giảm nghèo hằng năm khoảng 13%.
Xã Húc Động đã đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của Chương trình 135, Đề án 196, giảm nghèo, xây dựng NTM, để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Hiện trên địa bàn xã đang duy trì 6 mô hình phát triển sản xuất là: Trồng dong riềng, nuôi cá nước lạnh, nuôi dê, trâu, bò sinh sản, lợn thương phẩm...
Cũng từ nguồn vốn của Chương trình 135, xã đã hỗ trợ người dân mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nhân dân. Đến nay, kinh tế các hộ, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo được nâng lên rõ rệt.
Cũng cùng mục tiêu ra khỏi diện ĐBKK, xã Hà Lâu (Tiên Yên) đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế... theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình 135, Đề án 196, toàn xã đã có gần 30km đường trục xã, liên xã và trên 30km đường thôn, xóm đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Trên 80% kênh mương được kiên cố hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 97% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, tạo sự phấn khởi cho bà con nhân dân. Đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao, thông qua các mô hình kinh tế như: Nuôi gà đồi Tiên Yên, lợn, bò sinh sản, ong lấy mật, trồng cây gỗ lớn, cây bản địa... Nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn vươn lên thoát nghèo và dần trở thành hộ khá giả trong vùng.
Giao thông thuận tiện, sản xuất thuận lợi hơn, cuộc sống của người dân ngày một nâng lên, Chương trình 135 đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo ở các xã ĐBKK. Tính đến nay, đã có trên 300 công trình hạ tầng KT-XH được đầu tư ở các xã, thôn, bản thuộc diện ĐBKK; 100% hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93%. Số hộ nghèo giảm gần 2.000 hộ, hộ cận nghèo giảm gần 700 hộ.
Đánh giá về hiệu quả của Chương trình 135, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Việc hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ trực tiếp cho phát triển sản xuất (giao thông, thủy lợi) và hạ tầng phục vụ đời sống (trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nước sinh hoạt…) đã cải thiện rõ rệt diện mạo nông thôn, miền núi, được nhân dân đồng thuận cao. Nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất triển khai có hiệu quả, được nhân rộng đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, là cơ sở để thoát nghèo bền vững. Theo lộ trình đề ra, cuối năm nay, các xã, thôn ĐBKK của tỉnh sẽ thoát khỏi diện khó. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để đẩy mạnh phát triển KT-XH ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh.