Thoát nghèo, khẳng định thương hiệu nhờ vốn vay giải quyết việc làm

Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, đã có nhiều nông dân xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, qua đó thoát nghèo bền vững. Cũng có trường hợp nhờ nguồn vốn này mà xây dựng, khẳng định thương hiệu cho sản phẩm của mình. Những câu chuyện được chúng tôi ghi nhận ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế sau đây là ví dụ.

Trang trại của gia đình ông Đỗ Thế

 

Trước đây, gia đình ông Đỗ Thế (60 tuổi, ở thôn Bát Sơn, xã Lộc Điền, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) là một hộ nông dân nghèo chính hiệu. Tâm sự với chúng tôi, ông Thế bảo vợ chồng ông sinh tù tì một lúc 9 đứa con. Vì thế, hoàn cảnh đã khó lại càng khó khăn hơn, trong khi cả nhà chỉ trồng chờ vào 0,5 ha ruộng lúa. Để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học, vợ chồng ông đã tìm mọi cách để xoay xở.

Năm 2011, gia đình ông Thế quyết định chuyển đổi 2 ha đất nông nghiệp trồng cây để làm trang trại và cải tạo hồ nuôi cá. Ban đầu, do không có nhiều vốn, ông chỉ thả cá và nuôi gà cùng vài con dê. Sau đó, nhờ các kênh thông tin, ông Thế biết được có nguồn vốn vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Sau khi bàn bạc với vợ con, ông quyết định vay 30 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm cùng 20 triệu đồng nguồn vốn hộ cận nghèo để đầu tư mua 2 con bò mẹ và heo rừng giống.

Nhờ cách tính toán hợp lý cùng sự chăm chỉ của cả vợ chồng và các con, trang trại của gia đình ông Thế từng bước phát triển vững chắc. Từ khởi đầu với vài con gà, dê, giờ đây trong trại của gia đình ông Thế đã có đàn gà lên đến 500 con, cùng 30 con dê, 20 con heo rừng mẹ và 20 con heo nọc, 10 con bò và 1 hồ nuôi cá các loại.

Ông Thế cho biết, tổng thu nhập hàng năm từ trang trại khoảng hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông có lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, 0,5 ha ruộng lúa cũng giúp gia đình ổn định đời sống. Từ nguồn thu nhập trang trại và các nguồn chính đáng khác, gia đình ông Thế đã trở thành hộ khá giả ở thôn Bát Sơn. Cũng nhờ thế, vợ chồng ông đã nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Theo ông Thế, trong 9 đứa con của vợ chồng ông, có 4 người học hết bậc cao đẳng, còn lại đều học hết cấp 3, cô con gái út thì đang học lớp 11.

Một trường hợp khác ở Phú Lộc đã vươn lên trong lao động sản xuất là chị Võ thị Nhung Xuân – Chủ Cơ sở sản xuất mắm Xuân Anh (thôn Bình An 1, xã Lộc Vĩnh). Hơn 20 năm trước, sau khi công ty chế biến chè ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) giải thể, chị theo chồng trở về quê chồng ở làng biển thuộc thôn Bình An 1. Chồng chị vốn là bộ đội nhưng đã xuất ngũ sau khi gặp tai nạn trong lúc lao động tại nước bạn Lào. Cũng như hầu hết các cặp vợ chồng trẻ khác, lúc đầu khi mới về quê chồng, hai vợ chồng chị Xuân đã  phải rất vất vã để lo cho cuộc sống.

Vốn là một công nhân được đào tạo chuyên ngành chế biến, lại thuộc tốp người nhạy bén, sẵn các loại hải sản do người dân địa phương đánh bắt về, chị Xuân thu mua và bắt tay vào chế biển các loại sản phẩm như: nước mắm, mắm cá cơm, mắm ruốc, các loại hải sản khô… để bán lại cho người dân địa phương và lân cận.

Sau khi nhận thấy sản phẩm của mình bắt đầu lấy được lòng tin từ người tiêu dùng, khoảng năm 2014, chị Xuân bàn với chồng quyết định mở rộng quy mô sản xuất, thành lập Cơ sở sản xuất mắm Xuân Anh. Để có vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, chị Xuân đã liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc để vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Sau khi trả hết số nợ 20 triệu đồng vốn vay ban đầu, chị Xuân lại quyết định vay thêm 100 triệu đồng, gồm: 50 triệu đồng tiền vốn vay giải quyết việc làm và 50 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để tiếp tục mở rộng quy mô cơ sở.

Hiện nay, Cơ sở sản xuất mắm Xuân Anh đã là một trong những cơ sở chế biến hải sản lớn và có tiếng của huyện Phú Lộc. Các sản phẩm của cơ sở này cũng đã được đăng ký thương hiệu với Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế. 12 sản phẩm của cơ sở Xuân Anh, như: Mắm cá cơm, mắn ruốc, nước mắm cá cơm nguyên chất, nước mắm ruốc nguyên chất, mực khô, huyết khô, cá cơm khô, cá trích khô, các nục khô, mực một nắng, mực tươi,…không chỉ tiêu thụ tại trong địa bàn huyện Phú Lộc mà đã vươn ra toàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đi ra các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, TP. HCM…

Ngoài ra, sản phẩm của Xuân Anh không chỉ bày bán tại cơ sở chính ở Lộc Vĩnh mà còn được huyện Phú Lộc đồng ý cho bày bán tại Trung tâm Nông sản sạch của huyện; sản phẩm cũng được mời tham dự nhiều hội chợ, lễ hội Festival khác. Bản thân chị Nhung Xuân cũng được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ mời đi Tam Kỳ (Quảng Nam) để giới thiệu sản phẩm, được tặng thưởng nhiều danh hiệu về sản xuất kinh doanh giỏi.

Không chỉ giải quyết việc làm cho bản thân và gia đình, Cơ sở chế biến mắm Xuân Anh của chị Xuân còn giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương. “Mỗi khi thu mua và vào nguyên liệu hay đóng gói, tôi đều phải thuê 4 – 5 chị em đến giúp”, chị Xuân cho biết. Trong khi đó, với cách làm bằng cái tâm: “chồng tôi thấy tôi lỡ thử mắm bằng tay thôi ông đã la chứ đừng nói pha chế thêm bất cứ thứ gì vào sản phẩm” nên sản phẩm của cơ sở ngày càng khẳng định thương hiệu và đứng vững trong thị trường. Tuy nhiên, chị Xuân vẫn có một khao khát lớn hơn đó là sản phẩm của mình có thể đi vào các hệ thống siêu thị như BigC, Co.op mart...

Ông Phạm Phước Yên – Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Lộc cho biết, việc triển khai hoạt động tín dụng trên địa bàn huyện Phú Lộc thông qua các chương trình tín dụng chính sách nói chung và chương trình cho vay giải quyết việc làm nói riêng trong thời gian qua đã thu được những kết quả khá tốt. Thông qua hoạt động này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình chính trị, xã hội đẩy lùi nạn tín dụng đen ở khu vực nông thôn.

Theo ông Yên, từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hàng năm đã giúp địa phương duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 600 lao động ổn định, tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho 570 hộ gia đình. Đặc biệt, nguồn vốn vay ủy thác tại địa phương từ Ngân sách huyện hàng năm chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp trên 70 hộ dân trên địa bàn huyện được vay vốn để mua sắm ngư lưới cụ, chế biến thủy hải sản, mở rộng các xưởng may công nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rừng có việc làm thu nhập ổn định yên tâm làm ăn sinh sống không còn trình trạng đi làm ăn xa theo mùa vụ như trước đây.

Tổng dư nợ chương trình vốn vay giải quyết việc làm tại huyện Phú Lộc đến 31/3/2019 là 16.431 triệu đồng với 571 khách hàng còn dư nợ. Góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm chủ lực của huyện và đem lại cuộc sống an cư, bền vững cho những người dân vùng nông thôn.

 

baodansinh.vn

 

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành