Thoát nghèo từ mô hình trồng cây hồ tiêu

Chúng tôi tìm đến nhà ông Ngưnh, làng Kon Măh, xã Hà Tây (huyện Chư Pah, Gia Lai), người đầu tiên của xã đưa cây hồ tiêu vào trồng. Ông Ngưnh kể, trước đây do đất đai cằn cỗi, lại chưa biết cách làm ăn, ông cũng như các hộ dân trong làng chỉ trồng mì, bắp, lúa và một số loại cây trồng khác nên cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Cây hồ tiêu đang giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở Chư Pah thoát nghèo. 

Từ năm 2011, Trạm Khuyến nông huyện Chư Pah phối hợp với xã Hà Tây triển khai mô hình trồng cây hồ tiêu cho bà con nông dân. Ông Ngưnh đã đăng ký tham gia. Ông đã chuyển đổi 2 ha vườn tạp sang trồng cây hồ tiêu với số lượng 160 trụ. Trong đó, Trạm Khuyến nông hỗ trợ cây giống tiêu, cây trụ sống, phân bón và hỗ trợ về kỹ thuật.

Qua nhiều năm chăm sóc, đến nay vườn tiêu của gia đình ông Ngưnh đã cho thu hoạch được 5-6 năm, mỗi năm thu được khoảng 12 đến 15 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập đều đặn này, gia đình ông Ngưnh đã vơi bớt khó khăn. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây hồ tiêu, hiện nay gia đình ông Ngưnh đã mở rộng thêm diện tích, tổng cộng đã phát triển được trên 200 trụ hồ tiêu. Bên cạnh đó, ông Ngưnh còn trồng thêm mì, lúa, bời lời để tăng nguồn thu nhập. Với sự cần cù, chăm chỉ, các loại cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế, đã giúp gia đình ông Ngưnh thoát nghèo một cách bền vững.

Được biết, Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình trồng cây hồ tiêu bằng trụ sống tại 2 xã Hà Tây và Đak Tơ Ver. Với diện tích 0,36 ha, có 4 hộ dân tham gia gồm: ông Ngưnh, ông Thui tại xã Hà Tây, ông A Êng và bà Nguyễn Thị Hương tại xã Đak Tơ Ver. Mỗi hộ trồng 160 trụ tiêu, trong đó Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón và hỗ trợ về kỹ thuật. Qua theo dõi, mô hình trồng cây hồ tiêu bằng trụ sống được đánh phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương và thật sự mang lại hiệu quả cho bà con nông dân. Đây thật sự là mô hình giảm nghèo hiệu quả, cần được nhân rộng.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành