Tiền Giang: Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Năm 2018, công tác giảm nghèo được các ngành và các địa phương triển khai đạt được những kết quả rất tốt. Người nghèo của tỉnh Tiền Giang đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước như: Chính sách hỗ trợ giáo dục – đào tạo; Chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; Chính sách đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; Chính sách cho vay tín dụng ưu đãi; hướng dẫn làm ăn và khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; Chính sách trợ giá tiền điện cho hộ nghèo…
Đối thoại với người nghèo
Phương hướng và nhiệm vụ thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Tiền Giang năm 2019, trong đó Mặt trận tổ quốc các cấp, các sở ngành và chính quyền địa phương tiếp tục làm nòng cốt thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, phấn đấu đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Tiền Giang theo tiêu chuẩn mới giảm xuống còn 2,99%.
Ông Phạm Minh Trí, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang cho biết: Để thực hiện mục tiêu trên, các ngành hữu quan tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy chính quyền, các tổ chức hội đoàn thể, đặc biệt là của người nghèo, cận nghèo về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa công tác giảm nghèo để mọi người đồng lòng, cùng chung tay thực hiện giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, Tiền Giang tăng cường tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác giảm nghèo, hướng dẫn kỹ năng giảm nghèo cho người dân; đồng thời phân công hỗ trợ, giúp đỡ, quản lý hộ nghèo theo hội, đoàn thể quản lý, từng thành viên tại cơ sở đến tiếp xúc trực tiếp với hộ nghèo để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người nghèo, trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn.
Thời gian quan, các ngành hữu quan tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng huyện Tân Phú Đông và các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở quy hoạch sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường.
Đặc biệt, Tiền Giang đã tổ chức các cuộc đối thoại cộng đồng về chính sách giảm nghèo, thực hiện chương trình thông tin và truyền thông, phát thanh, truyền hình, tờ rơi, pa-no, khẩu hiệu… tuyên truyền về giảm nghèo bền vững, giới thiệu mô hình làm kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Các chính sách đến với người nghèo
Theo ông Phạm Minh Trí, ngoài những quy định chung như thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện cho trên 16.000 hộ nghèo theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, phương án sản xuất kinh doanh được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; đảm bảo 100% học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập theo quy định; 100% người nghèo, người cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; 100% học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh vùng khó khăn được miễn, giảm học phí theo quy định, trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% đối tượng người nghèo có nhu cầu trợ giúp pháp lý…
Đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, qua 03 năm (2016-2018), được sự hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của Trung ương, ngân sách tỉnh và huy động cộng đồng tổng khối lượng công trình hỗ trợ theo vốn Bãi ngang ven biển xây dựng và đưa vào sử dụng là 86 công trình, trong đó đầu tư mới 62 công trình, duy tu bảo dưỡng là 16 công trình và công trình chuyển tiếp: 8 công trình; cùng với việc triển khai thực hiện các giải pháp chính sách từ Chương trình giảm nghèo, các công trình đầu tư trên địa bàn các xã đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hơn 20.053 lượt người hưởng lợi. Thu nhập bình quân trên đầu người tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo cũng được tăng lên đáng kể, năm 2016 là 14,298 triệu đồng đến năm 2018 đạt trên 30 triệu đồng.
Ngoài ra, các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời, từ đó tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo.
baodansinh.vn