Tiếp sức cho 61 huyện nghèo

Sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 30a/2008/CP-NQ ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, nhiều Hội nghị các cấp đã được tổ chức nhằm tham mưu các chính sách, đưa ra những đề xuất cũng như huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để giúp đỡ những vùng đất còn khó khăn, vất vả nhất nước ta hiện nay.


Nhiều chính sách ưu đãi nhưng vẫn nghèo

Hiện cả nước có 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, thuộc miền núi, vùng cao, biên giới, với trên 2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có đồng bào các dân tộc rất it người như: Si la, Pu Péo, La Hủ, Lô Lô, Lự, Mảng, Khơ Mú... Qua thống kê từ Uỷ ban Dân tộc (UBDT) cho thấy, tính đến năm 2008, trong 61 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh có 740/862 xã đặc biệt khó khăn (chiếm 86%), 344 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 122 xã khu vực II đang nằm trong diện đầu tư của Chương trình (CT) 135. Trong giai đoạn 2006 – 2008, CT 135 đã bố trí ngân sách Trung ương gần 3 nghìn tỷ cho các xã, thôn thuộc 61 huyện này để xây dựng trên 4 nghìn công trình hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ 270 nghìn hộ nghèo giống cây trồng vật nuôi cũng như phương tiện, vật tư sản xuất; tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho trên 30 nghìn cán bộ và người dân; trợ cấp kinh phí cho trên 150 nghìn học sinh.

Ngoài ra, CT 134 giai đoạn 2005 – 2008 cũng dành trên 1.270 tỷ đồng để hỗ trợ làm hơn 94 nghìn ngôi nhà, trên 1.200 ha đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc nghèo; 2.123 công trình nước sinh hoạt với hơn 80 nghìn hộ được sử dụng. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi khác của Đảng, Nhà nước và nhiều tổ chức quốc tế cũng dành cho những vùng đất nghèo khó này như: CT Trung tâm cụm xã; chính sách tín dụng đối với đồng bào; chính sách ổn định dân cư; chính sách trợ giá trợ cước, chính sách ưu đãi về giáo dục, các dự án giảm nghèo của Ngân hàng Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB)…

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến nay đời sống đồng bào các dân tộc ở 61 huyện nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Hiện cả nước còn tới 55 xã có tỷ lệ nghèo trên 80%, 302 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 65%; 243 xã tỷ lệ nghèo 55%; 195 xã có tỷ lệ nghèo trên 50% và 100% thôn bản đặc biệt khó khăn của xã khu vực II có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%. Đặc biệt, còn trên 13.500 hộ với hơn 65.500 khẩu thuộc diện du canh du cư; trên 80 nghìn hộ cần hỗ trợ nhà ở, 120 nghìn hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt; 63 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, cơ sở hạ tầng còn thiếu, chất lượng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống của đồng bào.

Tiếp sức cho các huyện nghèo

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ coi xoá đói giảm nghèo là sự nghiệp của toàn dân. Kết quả thành công phụ thuộc trước hết vào sự nỗ lực vươn lên của người nghèo. Để chương trình đạt hiệu quả, các chính sách ban hành và tổ chức thực hiện phải lấy người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ thể trong việc tiếp cận và thụ hưởng…. Các chính sách mới và bổ sung đối với các huyện nghèo bao gồm: Chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo; chính sách cán bộ; chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, bản, xã và huyện.

Với các chính sách trên, trong năm 2009, UBDT được Chính phủ phân công hướng dẫn các huyện xây dựng kế hoạch bổ sung thực hiện cơ chế, chính sách đối với các xã thuộc huyện nghèo quy định như đối với xã 135 giai đoạn 2. Ngoài ra, UBDT sẽ chủ trì xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo, ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm UBDT đã có báo cáo về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết này. Theo đó, UBDT đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành (như: CT 135, 134, Trung tâm cụm xã, CT trợ giá trợ cước…) theo hướng nâng cao định mức các CT, chính sách này. Cụ thể, đối với CT 135, sẽ hỗ trợ đầu tư nâng cấp và xây mới các công trình điện, đường, trường, trạm…; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ cải thiện môi trường…cần được hỗ trợ đầu tư cao hơn so với quy định hiện hành. Đối với CT 134, UBDT cũng đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2010. Riêng định mức hỗ trợ nhà ở dự kiến sẽ nâng lên 15 triệu đồng/hộ thay cho mức 5 triệu đồng/hộ…

Điểm mới của CT hỗ trợ giảm nghèo đối với 61 huyện nghèo lần này là sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định đã thu hút được sự quan tâm ủng hộ đầu tư kinh phí của 30 tập đoàn, doanh nghiệp. Ngay từ tháng 2/2009, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết hợp đồng hỗ trợ tài chính cho các huyện: Sốp Cộp (Sơn La), Kỳ Sơn (Nghệ An), Thường Xuân (Thanh Hóa) và An Lão (Bình Định) với số tiền là 32 tỉ đồng/huyện. Cùng với BIDV, nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng cũng đề nghị được đỡ đầu các huyện khó khăn để chung tay góp sức giúp đồng bào các huyện này nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

* Mục tiêu của Nghị quyết 30a đặt ra là đến cuối năm 2009, không còn một hộ dân nào trong số 61 huyện này phải sinh sống trong căn nhà tranh tre, tạm bợ hoặc không có nhà ở, đồng thời phải giảm được trên 10% số hộ nghèo. Phấn đấu đến năm 2020 đời sống của đồng bào thuộc 61 huyện này tăng lên 5-6 lần so với hiện nay và bằng mức trung bình của tỉnh, của vùng; 60% số lao động được đào tạo nghề nhằm lao động tại chỗ, vào các công trường, xí nghiệp, xuất khẩu lao động. Đặc biệt, sẽ nhanh chóng đẩy mạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở để có thể đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới...

Mai Hoàng

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành