Tín dụng chính sách xã hội giúp 35.800 hộ dân ở Cần Thơ thoát nghèo
Chiều 5/9, tại thành phố Cần Thơ, Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đại diện lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn.
Theo báo cáo của Thành ủy Cần Thơ, qua 5 năm triển khai Chỉ thị 40, 181.725 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được tiếp cận vay vốn, với doanh số cho vay trên 3.466 tỉ đồng, bình quân 578 tỉ đồng/năm. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng dư nợ của 16 Chương trình tín dụng chính sách xã hội thực hiện trên địa bàn thành phố đạt 2.390 tỉ đồng, tăng 1.102 tỉ đồng, tương đương với 85,6% so với năm 2014.
Số lượng khách hàng các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đang theo dõi và quản lý là 92.800 hộ, tương ứng với 28,7% số hộ dân của thành phố được vay vốn các Chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ còn 8 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 0,33% trên tổng dư nợ, giảm 49,4% so với năm 2014.
Nhờ nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi trong 5 năm qua, 35.800 hộ dân thành phố Cần Thơ đã vượt qua ngưỡng nghèo; 12.678 học sinh, sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; trên 19.000 lao động được tạo việc làm; 114.145 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây mới và sửa chữa. Nguồn vốn cũng đã hỗ trợ xây dựng 330 nhà ở cho hộ nghèo; 137 khách hàng được vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà ở...
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết, hợp tác làm ăn có hiệu quả, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, như: mô hình Tổ làm bánh dân gian, mô hình trồng rau chuyên canh, mô hình trồng trồng cây ăn trái sặc sản, mô hình mua bán trên sông phục vụ khách du lịch, mô hình trồng hoa kiểng... xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp các địa phương...
Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, Chỉ thị 40 đã tạo hiệu quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố; đồng thời còn góp phần làm giảm tín dụng đen và tình trạng cho vay lãi suất cao. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, có thể khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân đối với công tác tín dụng chính sách xã hội...
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh khẳng định, Chỉ thị 40 đã đi vào thực tiễn, thể hiện vai trò là cầu nối góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở, là đối trọng với tín dụng đen, được nhiều địa phương xem là nguồn lực phát triển tốt... Tín dụng chính sách xã hội là một chính sách mang tính nhân văn cao, thể hiện sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo cho người nghèo. Việc bình xét được thực hiện công khai, dân chủ ở cơ sở.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh cho rằng, mỗi địa phương trong cả nước đều có cách triển khai Chỉ thị 40 khác nhau nhưng đều mang lại hiệu quả xã hội cao. Các địa phương cần xem xét, nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm thêm về mô hình "3 + 1" và "5 + 1" (3 hộ khá hoặc 5 hộ khá hỗ trợ 1 hộ khó khăn) đang được Hội Cựu chiến binh Việt Nam triển khai mang lại hiệu quả tốt... Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về việc thực hiện Chỉ thị 40 trong thời gian tới.
Dịp này, UBND thành phố Cần Thơ đã tặng Bằng khen cho 24 tập thể, 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2014 - 2019.
baotintuc.vn