Tín dụng chính sách xã hội giúp tạo sự ổn định ở nông thôn

Ngày 31/7, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 58- CTr/TW của Tỉnh ủy Cao Bằng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Người dân vùng Lục khu (Cao Bằng) nuôi trâu bò phát triển kinh tế

 

Ông Vương Văn Minh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Cao Bằng cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW, hoạt động chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều quả.

Thông qua vốn tín dụng chính sách, đã có trên 131.000 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng được vay vốn phát triển sản xuất. Từ đó, góp phần tạo việc làm cho trên 169.000 lượt lao động. Đồng thời, xây dựng trên 35.200 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, xây dựng 1.800 căn nhà cho hộ nghèo...

Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương chuyển sang ngân hàng chính sách xã hội đạt 22,5 tỷ, tăng 16,4 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Tổng dư nợ quá hạn đến ngày 30/6/2019 trên 3,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,15%/tổng dư nợ, giảm 553 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2019...

Tín dụng chính sách xã hội đang phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và tạo sự ổn định xã hội ở nông thôn. Điều này giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều có hội để tạo việc làm mới, ngành nghề mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Bà Bàn Thúy Kiều (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cho biết, năm 2012, gia đình bà vay ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng để mua trâu, lợn nái, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; cuộc sống từ đó đã dần ổn định. Năm 2017, gia đình bà thoát nghèo.

Tháng 7/2017, gia đình bà tiếp tục vay 32 triệu đồng từ nguồn vốn ngân hàng chính sách địa phương cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục đầu từ vào chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Hiện nay, gia đình bà có vườn cây ăn quả hơn 1.000 m2; đàn vật nuôi tăng trưởng theo từng năm, thu nhập gia đình bà ổn định hơn rất nhiều so với trước đây.

Bên cạnh những kết quả đã đạt, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư còn một số hạn chế như: nguồn vốn ngân sách ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại địa phương. Sự phối hợp của các tổ chức chính trị, xã hội với hoạt động tín dụng chính sách chưa gắn kết, một bộ phận người nghèo sử dụng vốn chưa thực sự hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững....

Phát biểu tại hội nghị,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Bích Ngọc đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban ngành trên địa bàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu.

Từ đó, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Các cơ quan chức năng chỉ đạo hướng dẫn công tác khuyến nông, lâm kỹ thuật sản xuất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; phổ biến mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả, các mô hình sản xuất kinh doanh điển hỉnh, giúp nhau vươn lên thoát nghèo....

Dịp này, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng bằng khen cho 6 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

 

baotintuc.vn

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành