Tín dụng chính sách xã hội giúp xóa gần 16.000 hộ nghèo ở Dắk Nông
Ngày 22/8, Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
Thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục bổ sung nguồn vốn ủy thác từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, chỉ đạo tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách về một đầu mối ngân hàng chính sách xã hội.
Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp tỉnh Đắk Nông phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng với hoạt động chuyển giao khoa học - công nghệ, chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, dạy nghề, tạo việc làm của địa phương; hỗ trợ hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác khi vay vốn tín dụng chính sách.
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Đắk Nông đã đưa việc lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại địa phương là nhiệm vụ chính trị thường xuyên theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ngoài việc Chủ tịch UBND các cấp tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Đắk Nông còn tham gia các cuộc giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở nhằm phát huy tốt nguồn vốn vay.
Tính đến tháng 8/2019, toàn tỉnh Đắk Nông có gần 150.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, gia đình thuộc diện chính sách được vay vốn ưu đãi với doanh số gần 4.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn đến thời điểm này chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ. So với năm 2014 (thời điểm chưa có Chỉ thị 40-CT/TW) nợ quá hạn trong hoạt động tín dụng chính sách giảm 0,61%.
Tăng trưởng nguồn vốn chính sách xã hội tăng trên 10%/năm, trong đó nguồn vốn ủy thác tăng 20%/năm. Nguồn vốn chính sách đã giúp 37.000 hộ dân tiếp cận 461 tỷ đồng cải tạo 74.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, duy trì và giải quyết việc làm cho hơn 6.400 lao động và hàng nghìn học sinh, sinh viên có chi phí học tập.
Nhờ nguồn vốn chính sách mà gần 16.000 hộ dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng góp phần đáng kể cho việc giảm 2-3% hộ nghèo hàng năm của tỉnh Đắk Nông.
Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, cần tăng mức cho vay tối đa đối với nhóm chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh từ 50 triệu lên 100 triệu đồng/hộ gia đình để tạo điều kiện cho hộ vay đầu tư hiệu quả; nâng thời hạn cho vay tối đa từ năm năm lên mười năm để phù hợp với những quá trình đầu tưu dài hạn; nâng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên lên 2,5 triệu đồng/người/tháng để phù hợp với giá cả thị trường…
baotintuc.vn